Bộ Công an đề xuất bổ sung 5 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú
(Dân trí) - Ngoài 5 trường hợp bị xoá đăng ký thường trú như luật hiện hành, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, đề xuất bổ sung 5 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú
Trong hồ sơ dự án Luật Cư trú (sửa đổi) gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an cho rằng việc bổ sung quy định xoá đăng ký thường trú là một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Chính vì thế, Bộ Công an đề nghị các thành viên Chính phủ cho ý kiến về việc này.
Theo Bộ Công an, Luật Cư trú hiện hành quy định 5 trường hợp xóa đăng ký thường trú gồm: Người bị chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; đã có quyết định hủy đăng ký thường trú; ra nước ngoài để định cư; đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và tăng cường công tác quản lý cư trú được chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú) tác động đến công tác hoạch định chính sách về kinh tế - xã hội của địa phương, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bổ sung 5 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú.
Trường hợp 1: Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú.
Bộ Công an cho rằng việc bổ sung trường hợp này để nâng cao trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, cũng như giúp cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn.
Quy định này chỉ áp dụng đối với người không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định công dân được đăng ký lại nơi thường trú ban đầu khi trở về địa phương sinh sống.
Việc xác định thời điểm 12 tháng liên tục vắng mặt tại nơi thường trú của công dân được thực hiện qua công tác kiểm tra về cư trú của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, sẽ có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này để việc áp dụng được thuận lợi cho công dân (có thể áp dụng việc khai báo qua mạng, qua điện thoại, qua khai báo trực tiếp…).
Hơn nữa, trước đây Nghị định số 51-CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ cũng có quy định người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký hộ khẩu thường trú quá 6 tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong Sổ Hộ khẩu; khi trở lại phải khai xin đăng ký lại hộ khẩu thường trú theo quy định.
Trường hợp 2: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình.
Bộ Công an lý giải: Luật Cư trú (sửa đổi) quy định phương thức quản lý cư trú mới thông qua mã số định danh cá nhân; thông tin về cư trú của công dân được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được dùng chung cho các cơ quan, tổ chức có liên quan. Do vậy, thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng của công dân cần phải chính xác, sát với thực tế.
Trong trường hợp này, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình đều không cư trú tại địa phương nên cần phải quy định xóa đăng ký thường trú cho chặt chẽ; hạn chế sai sót có thể phát sinh cho cơ quan, tổ chức có liên quan khi khai thác, sử dụng thông tin về nơi thường trú, tạm trú của họ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi họ được giảm án, ra tù về địa phương sinh sống thì được đăng ký lại nơi thường trú trước đây.
Bộ Công an thừa nhận việc bổ sung trường hợp này có thể tác động đến các quy định của Luật Thi hành án hình sự như đối với trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, những người này sẽ được giao về địa phương nơi cư trú để quản lý; nếu họ bị xóa đăng ký thường trú tại nơi cư trú trước đây khi đi chấp hành án thì có thể khi được trở về địa phương sẽ không tiếp nhận vì chưa có quy định cụ thể.
Mặt khác, trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt họ không về địa phương nơi trước đây đã đăng ký thường trú để sinh sống thì họ trở thành người không có đăng ký thường trú.
Trường hợp 3: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở là do được thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa.
Trường hợp 4: Người đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, kê biên, tịch thu và người đã bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện khác là chỗ ở dùng để đăng ký thường trú bị xóa đăng ký thường trú sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện đó; trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú.
Trường hợp 5: Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam; bị tước, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Quản lý thế nào với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú?
Một vấn đề khác được Bộ Công an đưa ra xin ý kiến các thành viên Chính phủ liên quan đến quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú nhằm bảo đảm quản lý tốt hơn đối với nhóm người này (người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú…) theo hướng: Người không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn tại nơi sinh sống thường xuyên hoặc nơi ở hiện tại để đăng ký, quản lý và được cấp Giấy xác nhận về việc khai báo cư trú theo yêu cầu. Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều này.
Bộ Công an cho rằng, việc quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú là góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp cho những người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú.
Đồng thời, tạo cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách về kinh tế - xã hội phù hợp cho nhóm người này được thuận lợi, chặt chẽ hơn (như chính sách liên quan đến giáo dục, y tế, lao động, trách nhiệm trợ giúp, quản lý của chính quyền địa phương, việc cấp giấy tờ tùy thân là Căn cước công dân, Hộ chiếu, Giấy khai sinh...).
Thế Kha