1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Mất 10 năm để chuyển đổi cơ sở dữ liệu hộ tịch từ giấy sang điện tử?

(Dân trí) - Ông Đinh Trung Tụng - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, trong bối cảnh hiện nay phải thúc đẩy mạnh Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy việc chuyển dữ liệu từ giấy sang điện tử có thể mất khoảng 10 năm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa chủ trì cuộc họp liên quan đến việc xây dựng Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Bộ Tư pháp đã xây dựng và mở rộng phạm vi sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, có kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Bước đầu tạo dựng được cơ sở dữ liệu hộ tịch từ việc đăng ký các sự kiện hộ tịch mới.

Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu hộ tịch còn lại cần được thiết lập tạo nên cơ sở dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh - là các dữ liệu hộ tịch đã thiết lập trước đây đang được lưu trữ tại các sổ đăng ký hộ tịch - cần được số hóa thì hầu hết các địa phương trên toàn quốc đều chưa thực hiện được.

Mất 10 năm để chuyển đổi cơ sở dữ liệu hộ tịch từ giấy sang điện tử? - 1

Có thể mất khoảng 10 năm để chuyển toàn bộ thông tin hộ tịch từ giấy sang điện tử (Ảnh minh hoạ).

Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng chưa được triển khai xây dựng đồng bộ, việc kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh giữa phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp với Bộ Công an triển khai từ năm 2016 đến nay song cơ sở pháp lý mới chỉ là một số quy định mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể.

Theo đánh giá của cơ quan này, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bước đầu cho thấy nhu cầu khai thác, sử dụng rất lớn từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp đến tất cả cá nhân.

Do chưa hoàn chỉnh nên trước mắt cho phép các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong phạm vi tỉnh có thể sử dụng, khai thác chéo các dữ liệu hộ tịch do cơ quan đăng ký hộ tịch khác trong cùng địa bàn tỉnh thiết lập; chưa cho phép khai thác, sử dụng dữ liệu hộ tịch do cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc địa bàn tỉnh khác thiết lập.

Ông Đinh Trung Tụng- nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, trong bối cảnh hiện nay phải thúc đẩy mạnh cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy việc chuyển dữ liệu từ giấy sang điện tử có thể mất khoảng 10 năm.

Liên quan đến việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Tụng cho rằng chủ yếu liên quan đến cấp số định danh cá nhân nhưng Bộ Công an chưa xây dựng xong nên cần quy định mở sao cho khi xây dựng đồng bộ thì kết nối được.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, điểm thiết yếu nhất của cơ sở dữ liệu này liên quan nhiều đến địa phương nên cần quy định để địa phương thực sự quan tâm đầu tư cho hộ tịch điện tử, sớm hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu trọn vẹn.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu rà soát thêm các quy định có liên quan hướng dẫn thi hành để bảo đảm phù hợp với Luật Hộ tịch, cần thiết thì sửa đổi Nghị định số 123/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác phải quy định mang tính nguyên tắc theo hướng Cơ sỡ dữ liệu hộ tịch là gốc, dữ liệu cá nhân, liên quan đến quản trị của ngành, có khả năng tích hợp và sẵn sàng kết nối.

Sau này, các cơ sở dữ liệu khác đáp ứng được điều kiện, đảm bảo bí mật dữ liệu công dân, quản trị của ngành thì có thể được kết nối vào.

Thế Kha