Bộ Chính trị xem xét chặt chẽ các "trường hợp đặc biệt"
(Dân trí) - Những "trường hợp đặc biệt" cần tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt và thông qua quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch...
Tại hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí vào sáng 28/12, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương - cho biết trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng về một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự.
"Những bài viết và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ thể hiện sự quan tâm, trăn trở, tâm huyết và tinh thần cao trước Đảng, trước Nhân dân của người đứng đầu Đảng, Nhà nước mà cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng"- ông Hà cho hay.
Quy trình nhân sự
Nhìn lại quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng có 6 nội dung và cách làm mới đáng chú ý. Cách làm mới đầu tiên là, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và chuẩn bị nhân sự Đại hội XII của Đảng, sau khi Ban chấp hành Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, gồm 6 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Số lượng cán bộ được quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIII ít hơn, chặt chẽ hơn so với khóa XII. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 người (khóa XII quy hoạch 511 người).
Theo ông Hà, việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa XIII phải thực sự dân chủ, khách quan, công tâm và đặt lợi ích của quốc gia- dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Quy trình chuẩn bị nhân sự được tiến hành chặt chẽ theo 5 bước theo Quy định 105-QĐ/TW và đồng bộ với quy trình công tác nhân sự cấp ủy theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
Trong đó, quy trình giới thiệu đối với 3 nhóm đối tượng: 1. Các đồng chí Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tái cử; 2. Các đồng chí lần đầu tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các chức danh chủ chốt; 3. Các đồng chí thuộc diện "đặc biệt".
"Những trường hợp "đặc biệt" cần tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt và thông qua quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, trước khi trình Ban chấp hành Trung ương xem xét, quyết định"- ông Hà cho hay.
Về cách làm, sẽ thực hiện quy trình giới thiệu các trường hợp tái cử trước, tham gia lần đầu sau, cuối cùng là giới thiệu các trường hợp đặc biệt. Thực hiện giới thiệu nhân sự Trung ương trước, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau, cuối cùng là nhân sự các chức danh chủ chốt.
1.590 đại biểu tham dự Đại hội
Về việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc, ông Nguyễn Đức Hà cho biết được căn cứ theo quy định của Điều lệ Đảng và có tính đến địa điểm tổ chức Đại hội.
Cụ thể, theo đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương: Có 67 đảng bộ, mỗi đảng bộ được phân bổ 13 đại biểu.
Theo số lượng đảng viên của từng đảng bộ: Cứ 12.000 đảng viên được 1 đại biểu; nếu còn dư 6.001 trở lên thì được 1 đại biểu nữa (Đại hội XII thì cứ 11.000 đảng viên được 1 đại biểu).
Theo vị trí quan trọng của một số Đảng bộ: Xác định 6 đảng bộ có vị trí quan trọng như Đại hội XII là Quân đội thêm 8 đại biểu, Công an thêm 8 đại biểu, Hà Nội thêm 10, TPHCM thêm 5, Khối các cơ quan Trung ương thêm 39, Khối doanh nghiệp Trung ương thêm 8.
Một trong những nội dung mới so với Đại hội XII của Đảng là quy định rõ định hướng tiêu chuẩn đại biểu dự Đại hội về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu.
Trung ương định hướng về cán bộ lãnh đạo, quản lý; nữ, trẻ, dân tộc; đối với các đoàn đại biểu tỉnh, thành phố có khoảng 25% số đại biểu công tác ở cấp huyện và cơ sở.
Trung ương giao cho Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu đối với từng Đảng bộ.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hà thông tin: Tổng số đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng là 1.590 đại biểu, trong đó có 194 đại biểu đương nhiên, 1.381 đại biểu được bầu và 15 đại biểu được chỉ định.
Dự kiến, Đại hội XIII của Đảng sẽ khai mạc vào ngày 25/1/2021 và kết thúc vào ngày 2/2/2021.
"Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương diễn ra ngay trong thời gian tiến hành đại hội sẽ bầu các cơ quan lãnh đạo của đảng, bầu các chức danh lãnh đạo của Đảng. Cụ thể là hội nghị lần thứ nhất sẽ bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng Bí thư, bầu Ban Bí thư, bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sau khi bầu xong các chức danh này thì trách nhiệm của Ban chấp hành Trung ương khóa XII mới kết thúc và bàn giao cho Ban chấp hành Trung ương khóa XIII"- ông Hà nói.