Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư nói về "trường hợp đặc biệt" trong Bộ Chính trị

(Dân trí) - Theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, "trường hợp đặc biệt" có vai trò dẫn dắt thế hệ trẻ và chèo lái công cuộc kiến thiết nước nhà.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương có cuộc trao đổi với PV Dân trí sau khi Hội nghị Trung ương 14  vừa kết thúc.

- Theo ông, đâu là những điểm nổi bật, được quan tâm nhất trong Hội nghị Trung ương 14 vừa qua?

- Phải khẳng định, việc chuẩn bị cho Đại hội XIII sắp tới với các báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và đặc biệt là công tác nhân sự... được làm kỹ lưỡng, bài bản. Trung ương đã làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương. Quy hoạch ấy được công bố và xem xét tại Hội nghị Trung ương.

Vấn đề xây dựng Đảng được đề cập rất kỹ, viết rất tỉ mỉ. Hay công tác Đảng đề cập kỹ càng hơn trước, tinh thần dân chủ cũng được mở rộng hơn. Việc đề xuất nhân sự vào Trung ương và cấp cao hơn được triển khai khá kỹ lưỡng và dân chủ. Qua các Hội nghị, cơ cấu, số lượng nhân sự Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành qua từng khâu, từng bước.

Nhân sự nhiệm kỳ tới được chia làm ba độ tuổi để bảo đảm tính kế thừa. Trong đó, độ tuổi trên 60 tuổi là thế hệ từng trải, có nhiều kinh nghiệm. Còn lớp 50 - 60 tuổi là số đông, những người đã kinh qua công tác lãnh đạo ở địa phương. Một số ít khoảng 10% là trên dưới 40 tuổi, phần lớn trong số này là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư nói về trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị - 1

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương

- Ba độ tuổi trong Trung ương và "trường hợp đặc biệt" xuất phát từ thực tiễn nào, thưa ông?

- Những người từng trải có nhiều kinh nghiệm, còn sức khỏe, trí tuệ, minh mẫn, rất tốt cho sự nghiệp cách mạng. Còn "trường hợp đặc biệt" có vai trò dẫn dắt thế hệ trẻ và chèo lái công cuộc kiến thiết nước nhà. Thế hệ cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi phải là số đông. Họ là những Bí thư cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng. Độ tuổi này đóng vai trò nòng cốt.

- "Trường hợp đặc biệt" sẽ được giới thiệu như thế nào vào Trung ương và Bộ Chính trị, thưa ông?

- Tôi được biết, Đại hội tới đây cũng xem xét đến "trường hợp đặc biệt". Nhưng "trường hợp đặc biệt" phải đến Hội nghị Trung ương 15 mới xem xét. Trong số những người được giới thiệu vào Trung ương, Bộ Chính trị sẽ có một vài người quá tuổi trong diện đặc biệt. Khi ra Đại hội, Ban Tổ chức Trung ương sẽ có giải trình, đề nghị tiếp tục đưa vào danh sách một số trường hợp tuy tuổi cao nhưng sức khỏe còn tốt, trí tuệ còn minh mẫn, không có điều tiếng gì.

Nhiệm kỳ này có 4 trường hợp đặc biệt, trong đó, trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ba trường hợp đặc biệt trong Ban Chấp hành Trung ương gồm các ông: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ và Bùi Văn Nam.

- Nhiệm kỳ 2015-2020 sắp kết thúc, ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về những "trường hợp đặc biệt"?

- Trường hợp đặc biệt là Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ này được nhân dân và dư luận xã hội khen ngợi, đánh giá rất cao. Tổng Bí thư là người đức độ, gần gũi với nhân dân, người thân cũng chẳng hề điều tiếng gì. Tổng Bí thư có sự tín nhiệm cao trước Đảng và nhân dân. Với một số trường hợp khác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cũng không có điều tiếng gì trong nhiệm kỳ 5 năm qua.

- Trong nhiệm kỳ này có rất nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, thi hành kỷ luật. Điều này do quá trình làm công tác nhân sự chưa được tốt hay những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường làm cho một số cán bộ không giữ được mình dẫn đến tự chuyển hóa, biến chất?

- Thực tế, dù làm tốt công tác nhân sự đến mấy cũng không tránh khỏi diễn biến của tình hình. Hôm nay anh ta là người tốt, biết đâu vài ba năm tới anh ta sẽ sa ngã vì tiền bạc, địa vị, tài sản… Mọi thứ có thể thay đổi trong quá trình công tác của mỗi người, đặc biệt diễn biến của kinh tế thị trường thường tác động mạnh lắm. Khi làm nhân sự cũng đề phòng đấy, nhưng không thể tránh hết được.

Khắc phục điều này, phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, từ đó mới phát hiện ra vi phạm và xử lý kịp thời. Các cơ quan chuyên trách của Đảng và Nhà nước như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Thanh tra Chính phủ phải luôn hoạt động tốt, giúp cơ quan cấp cao xem xét, nắm bắt tình hình cán bộ. Có thành tích thì biểu dương, khen thưởng, đề bạt, có khuyết điểm thì phê bình nghiêm khắc, vi phạm phải xử lý nghiêm minh.

Đồng thời phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Có thể tranh thủ ý kiến nhân dân từ nơi cư trú và các cơ quan đoàn thể, nơi thường có mạng lưới thông tin hữu ích.

- Theo ông, tiêu chí nào quan trọng nhất để lựa chọn nhân sự?

- Đúc kết lại một cách cô đọng nhất trong công tác nhân sự vẫn xoay quanh hai yếu tố đức và tài. Trong đó đức là số một, quan trọng nhất, bao gồm phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cá nhân, mối quan hệ của cán bộ với nhân dân. Còn tài là kiến thức cách mạng, kiến thức xã hội, chuyên môn, nghề nào bằng cấp ấy… rồi phong cách làm việc của anh, có dân chủ không, có sâu sát không?

- Xin cảm ơn ông!