1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ Chính trị: Tập trung đầu tư đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển lớn

Ngọc Tân

(Dân trí) - Đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay quốc tế cùng hệ thống cảng biển lớn... là các hạ tầng cấp bách mà Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư.

Chủ trương này được đề cập trong Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, xây dựng kết cấu  hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, Bộ Chính trị ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng đã được đạt được. Nhận thức về vai trò của kết cấu hạ tầng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Bộ Chính trị khẳng định vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức cần được vượt qua.

Bộ Chính trị: Tập trung đầu tư đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển lớn - 1

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước.

Mục tiêu là đến năm 2030, hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Bộ Chính trị yêu cầu sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công.

Theo định hướng của Bộ chính trị, cần xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu, có đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ được công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng những công trình hạ tầng lớn.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, Bộ Chính trị quán triệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tham gia; phân cấp đầu tư và giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong quyết định đầu tư.

Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch.

Các bộ ngành, địa phương cũng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện và đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu.

Bộ Chính trị yêu cầu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Nhà nước cho công trình, dự án quan trọng, tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Cùng với đó, cần tiếp tục huy động hợp lý nguồn vốn ODA, các khoản vay ưu đãi gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng; phát triển thị trường tài chính để cung ứng vốn, đa dạng hóa các chủ thể đầu tư, hình thức đầu tư tham gia thị trường vốn.

Một định hướng khác được Bộ Chính trị đề ra là nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng, áp dụng linh hoạt trần nợ công gắn với khả năng trả nợ để tăng thêm nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng.

Với mục tiêu sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư hạ tầng cấp bách như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông - Tây, các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thủy nội địa; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng, TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa (Đồng Nai) - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...

"Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, đường vành đai, các dự án thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập tại các đô thị lớn; đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung với công nghệ đồng bộ, hiện đại", theo kết luận của Bộ Chính trị.

Việc thực hiện các biện pháp trên, theo Bộ Chính trị, sẽ giúp đất nước phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.