Bộ ảnh đáy biển miền Trung sau sự cố môi trường
Để ghi nhận hiện trạng đáy biển miền Trung sau sự cố môi trường cá chết hàng loạt, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức những đợt lặn xuống vùng biển nguy hiểm này. Kết quả cho thấy, nhiều khu vực của bốn tỉnh, hệ sinh thái bị hủy diệt.
Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát tại đáy biển ở cả 4 tỉnh Bắc trung bộ xảy ra sự cố. Cùng Tiền phong xem bộ ảnh đáy biển miền Trung bị hủy diệt. Ảnh do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp.
Hà Tĩnh, các nhà khoa học khảo sát tại Mũi Ròn Mạ và Hòn Sơn Dương (cách họng xả công ty Formosa 7,5 km ngày 06/05/2016). Ở Mũi Ròn Mạ, san hô thưa thớt không tạo thành rạn, kích thước tập đoàn nhỏ, chủ yếu dạng phủ. Có nhiều tập đoàn mới chết trong khoảng 1 tháng. Ở Hòn Sơn Dương San hô chết khoảng 35-40%, hiện san hô còn sống dưới 10%. cả hai điểm này vắng mặt các đối tượng cá kinh tế có kích thước lớn hoặc nhóm cá thuộc các họ cá san hô điển hình.
Quảng Bình, khảo sát ở cảng Hòn La, đảo Hòn Nồm (đảo Yến) – Vũng Chùa ngày 07/05/2016. Ở Hòn Nồm, san hô phân bố thưa thớt, kích thước tập đoạn nhỏ. Độ phủ thấp, dưới 10%. Có hiện tượng san hô chết rải rác trên cạn. Vắng bóng các đối tượng các kinh tế và các họ cá điển hình cho vùng rạn san hô. Tương tự Hòn La cũng ghi nhận hiện tượng san hô chết.
Quảng Trị, địa điểm khảo sát là Cửa Tùng. Ở đây các nhà khoa học bắt gặp phát hiện thấy hầu chết còn lại xác, phần thịt đã bị phân hủy, miệng bị mở. Ngoài ra còn khá nhiều vỏ hầu nằm rải rác trên nền đáy.
Thừa Thiên Huế, các nhà khoa học khảo sát ở hai địa điểm, ghi nhận san hô chết và rất ít gặp các loài cá kinh tế và điển hình cho sinh cảnh rạn.
Trầm tích đáy một số điểm bị phủ lớp màng màu vàng – nâu sậm
Ghẹ bị chết trong hốc san hô tại Bãi Chuối
Cá Vẩu (Caranx ignobilis) chết trôi tại rạn san hô Bãi Chuối
Các nhà khoa học thu mẫu cá Vẩu để lấy mẫu dịch màng bám ngoài da.
Theo Nguyễn Hoài
Tiền Phong