"Black Pink diễn 2 đêm bằng nửa doanh thu biểu diễn của Việt Nam đến 2030"

Hoài Thu

(Dân trí) - Cho biết trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Việt Nam phấn đấu đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 31 triệu USD, ĐBQH ví von chỉ 2 đêm biểu diễn, Blackpink đã đạt 1/2 con số này.

Chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) dành toàn bộ 7 phút phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội để nói về vấn đề văn hóa.

Ông Nghĩa đánh giá đã có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, tư duy và hành động liên quan đến văn hóa, kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Chỉ ra điểm thuận lợi trong phát triển văn hóa, vị đại biểu tỉnh Phú Yên cho biết Việt Nam có 100 triệu dân với tăng trưởng kinh tế 5%-6%/năm. "Đó là mơ ước của nhiều quốc gia khác. Với tỷ lệ dân số trẻ và người Việt Nam thích bàn luận, thích xem, thích cái mới và rất say sưa với chữ nghĩa, với văn hóa, đó là dư địa rất lớn để phát triển  văn hóa, nghệ thuật", theo ông Nghĩa.

Black Pink diễn 2 đêm bằng nửa doanh thu biểu diễn của Việt Nam đến 2030 - 1

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Ảnh: Phạm Thắng).

Song ông cũng chỉ ra một điều rất đáng suy nghĩ, nhìn từ sự kiện nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Blackpink sang Việt Nam biểu diễn vừa qua.

Ông Nghĩa cho biết Black Pink sang biểu diễn ở Việt Nam chỉ có 2 đêm đã thu hơn 13 triệu USD. Trong khi đó, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa được phê duyệt năm 2016, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, năm 2030 phấn đấu đạt 31 triệu USD.

"Như vậy, chỉ hai đêm diễn của Black Pink đã bằng một nửa tổng doanh thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030 mà chúng ta phấn đấu. Đó là điều rất đáng suy nghĩ", ông Nghĩa ví von.

Vị đại biểu cũng dẫn lời lãnh đạo Sở Văn hóa TPHCM, rằng rất tiếc tiêu chuẩn của sân vận động ở TPHCM không đạt, nếu Blackpink vào đó biểu diễn thêm 2 đêm nữa, sẽ bằng chúng ta phấn đấu đến năm 2030.

Kể câu chuyện ấy, đại biểu Nguyễn Chí Nghĩa tái khẳng định dư địa phát triển văn hóa của Việt Nam là rất lớn.

Song qua giám sát, khảo sát, ông Nghĩa nhìn nhận còn nhiều vấn đề đặt ra khi "nhà hát không có diễn viên, diễn viên không có nhà hát".

"Có nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản đến 5 địa điểm đất vàng, đất kim cương của thành phố nhưng chỉ vận hành một địa điểm, 4 địa điểm còn lại hoặc để hoang, hoặc cho các đơn vị khác thuê và tốn tiền bảo vệ, tốn tiền điện nước. Trong khi đó, phần lớn các đoàn nghệ thuật không có nhà hát riêng để biểu diễn, muốn biểu diễn phải đi thuê", vị đại biểu chỉ ra thực tế.

Về nhân lực phát triển văn hóa, ông Nghĩa nêu bất cập khi nhiều đoàn nghệ thuật ở Trung ương "không có biên chế", thậm chí có những nghệ sĩ đã thành nghề 10 năm nhưng vẫn phải bỏ, phải thôi vì không được biên chế.

"Có diễn viên nói vui rằng, bây giờ đóng vai thanh niên xung phong thì phải 18-20 tuổi nhưng toàn diễn viên 40-50 tuổi. Béo khỏe, vui vẻ mà vào vai bộ đội, thanh niên xung phong gian khổ vất vả cho cả người diễn và người xem", ông Nghĩa nói.

Thừa nhận nghệ thuật biểu diễn còn nhiều vấn đề phải nói, nhưng ông Nghĩa khẳng định điều quan trọng là muốn có những tác phẩm xứng tầm, phải có chính sách xứng tầm, phải tạo dư địa sáng tạo cho các nghệ sĩ để sáng tạo.

Bàn về nguồn lực phát triển văn hóa, vị đại biểu nhắc đến nguồn lực nội sinh, đó là phát triển con người, tránh chuyện tư duy "văn hóa chỉ là giải trí".

"Tôi rất thấm thía lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực và phải kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng, hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Tôi nghĩ cốt cách văn hóa Việt Nam ở những chiều sâu như vậy", ông Nghĩa kết thúc bài phát biểu.