Bình Dương xả thải, TPHCM... “hưởng”

(Dân trí) - Dự án cải tạo kênh Ba Bò được đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, khởi công hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm, hôi thối. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải trong các khu công nghiệp ở Bình Dương chưa kết nối hoàn toàn vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.

>>Kênh Ba Bò có sạch hay không phải chờ… Bình Dương!

>>Tốn hơn 1.000 tỷ đồng, làm gần 10 năm mà kênh Ba Bò vẫn hôi thối

Trong văn bản gửi tỉnh Bình Dương, UBND TPHCM khẳng định nguyên nhân gây ô nhiễm một số khu vực kênh Ba Bò (kéo dài từ tỉnh Bình Dương sang địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM) chủ yếu do nước thải trong các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương chưa kết nối hoàn toàn vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại đây, nước thải được xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước.

Kênh Ba Bò ô nhiễm trầm trọng vì doanh nghiệp ở Bình Dương xả nước thải công nghiệp trực tiếp vào kênh
Kênh Ba Bò ô nhiễm trầm trọng vì doanh nghiệp ở Bình Dương xả nước thải công nghiệp trực tiếp vào kênh

Theo UBND TPHCM, gần 20% lượng nước thải vào kênh Ba Bò xuất phát từ khu dân cư và từ các cơ sở sản xuất đan cài trong khu dân cư (qua 3 tuyến thoát nước). Tại một số thời điểm, nước thải bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.

Trong khi đó, tuyến thoát nước số 4 phụ trách thoát nước thải ở các khu công nghiệp Sóng Thần (1, 2) chiếm hơn 80% tổng lượng nước thải vào kênh Ba Bò.

Song kết quả khảo sát của cơ quan chức năng TPHCM cho thấy, chất lượng nước thải ra từ nhà máy xử lý nước thải tập trung (khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2) chênh lệch rất lớn so với nước tại vị trí cuối tuyến thoát nước thải này, trước khi đổ vào kênh Ba Bò.

Cụ thể, nồng độ ô nhiễm có trong nước được lấy mẫu tại điểm cuối tuyến thoát nước số 4 cao gấp 25-43 lần đối với chỉ tiêu TTS và cao gấp 9,5-11,8 lần đối với chỉ tiêu COD so với nồng độ ô nhiễm nguồn nước tại vị trí họng xả của nhà máy xử lý chất thải tập trung.

Ngoài ra, chất lượng nước tại vị trí cuối tuyến thoát nước số 4 cho thấy có đến 8/18 thông số quan trắc vượt giới hạn cho phép nhiều lần.

Từ kết quả khảo sát trên, UBND TPHCM cho biết nguyên nhân gây ô nhiễm cho kênh Ba Bò là một số trường hợp nước thải công nghiệp trong các khu công nghiệp được xả thải trực tiếp vào tuyến thoát nước số 4 (cống ngầm) rồi đổ ra kênh.

Trong khi đó, toàn bộ lượng nước thải trên tuyến kênh Ba Bò sẽ được đưa vào xử lý theo công nghệ hồ sinh học (do TPHCM đầu tư) sắp được vận hành với công suất 20.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, công nghệ trên chỉ phù hợp với xử lý nước thải sinh hoạt nên khó có khả năng xử lý hoàn toàn ô nhiễm do nước thải công nghiệp gây nên.

Do đó, UBND TPHCM đề nghị tỉnh Bình Dương cho các cơ quan chuyên môn của thành phố tham gia việc rà soát, phát hiện những hành vi đấu nối, xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào tuyến thoát nước số 4 gây ô nhiễm trầm trọng kênh Ba Bò. Qua đó, nắm bắt tình hình để có phương án kịp thời trong việc đầu tư, vận hành trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò.

Quốc Anh