Bình Dương: Số ca Covid-19 tăng nhanh do thực hiện xét nghiệm diện rộng
(Dân trí) - Số ca mắc Covid-19 ở Bình Dương tăng nhanh những ngày giãn cách xã hội do tỉnh thực hiện xét nghiệm diện rộng với khoảng 1,8 triệu người, chiếm hơn 70% dân số, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, từ đợt dịch thứ 4 đến sáng 1/8, toàn tỉnh ghi nhận 16.094 ca mắc Covid-19.
Ngành y tế nhận định, số lượng F0 tăng nhanh những ngày qua do Bình Dương đang thực hiện xét nghiệm diện rộng với khoảng 1,8 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn tỉnh để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Lũy kế sau 13 ngày sàng lọc đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1,2 triệu người, kết quả phát hiện 12.284 ca dương tính với SARS-CoV-2 (trung bình mỗi ngày trên 800 ca).
Trong 15 ngày gần đây, tỉnh ghi nhận 12.380 ca, riêng ngày 31/7 cao nhất với 2.075 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, một số công ty "3 tại chỗ" xuất hiện ca nhiễm, do cùng làm việc, ăn ở với nhau nên diễn tiến lây lan nhanh.
Hầu hết ca bệnh được phát hiện tập trung ở 46 ổ dịch, chuỗi lây nhiễm. Trong đó, 4 ổ dịch đã được kiểm soát, 42 ổ dịch hiện chưa được kiểm soát. Nguyên nhân các ổ dịch lây lan nhanh được ngành y tế nhận định do địa phương tập trung nhiều công ty, xí nghiệp và mật độ nhà trọ ẩm thấp, dày đặc.
Bình Dương có dân số 2,5 triệu người, giáp TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. Đây là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất phía Nam với gần 50.000 doanh nghiệp, hơn 1,2 triệu lao động, nhiều khu nhà trọ đan xen với các nhà máy, xí nghiệp.
Theo Sở Y tế, mầm bệnh xâm nhập từ các khu trọ vào công ty xí nghiệp, rồi từ công nhân lan ra các khu trọ khác, tạo thành các ổ dịch lớn. Đến nay ca lây nhiễm trong cộng đồng ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố.
Để đảm bảo lấy mẫu nhanh, trọng tâm, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh đã thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động, huy động toàn bộ lực lượng cán bộ y tế, kể cả các cơ sở y tế tư nhân, các trường đào tạo y khoa, sinh viên trường y khoa do Bộ Y tế chi viện.
Với việc xét nghiệm diện rộng, dự báo thời gian sắp tới số ca bệnh có thể lên trên 20.000 ca.
Bình Dương hiện có 16 khu điều trị với số giường đáp ứng cho 17.240 người và đang xây dựng kế hoạch điều trị lên 20.000 giường. Công tác điều trị được xây dựng theo mô hình "3 tầng" để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh thông tin, tỉnh đã chuyển trạng thái chống dịch với các giải pháp trực chiến cao nhất để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ": lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; "3 không": không nói thiếu kinh phí, không nói thiếu nhân lực, không nói thiếu cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu siết chặt, quản lý với các địa phương đang có ổ dịch bùng phát, các khu vực phong tỏa có nguy cơ cao, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16. Yêu cầu tất cả người dân không được ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngưng hoạt động từ 18h- 6h kể từ ngày 28/7.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, giải pháp lâu dài chặn Covid-19 là vắc xin, nhưng hiện việc tiêm chủng tại tỉnh còn hạn chế. Đến nay, có 78.599 người đã tiêm, trong đó 72.472 người mũi 1 và 6.127 người tiêm mũi 2. Bình Dương đang triển khai chiến dịch tiêm chủng 307.000 liều.
Trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, Bình Dương kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thêm 1.486 bác sĩ, hơn 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên và các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.