Bình Định: Không bắn pháo hoa Tết, dành tiền lo cho dân vùng lũ
(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trong bối cảnh tỉnh này vừa phải gánh chịu 5 trận lũ liên tiếp, hàng ngàn người dân trắng tay, nhiều người đang phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”.
Chủ tịch Hồ Quốc Dũng, cho biết: “Sau 5 trận lũ liên tiếp, tỉnh Bình Định đang gặp nhiều khó khăn, người chết, nhà sập, lúa, hoa màu thiệt hại nghiêm trọng thì người dân có vui sướng gì đâu mà bắn pháo hoa. Dịp Tết có bắn pháo hoa thì con em sẽ vui, phấn khởi khi đón giây phút giao thừa thiêng liêng, tuy nhiên, trong điều kiện của tỉnh đang khó khăn trăm bề thì thay vì bắn pháo hoa, nên dành nguồn lực đó để hỗ trợ cho người nghèo, người có nhà bị sập vùng lũ, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Trước thiệt hại nặng nề của các tỉnh miền Trung, Ban Bí thư cũng đã có chỉ thị không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết.
“Dù Ban Bí thư không có chỉ thị thì tỉnh Bình Định cũng không có chủ trương bắn pháo hoa. Sau mấy trận lũ liên tiếp chúng tôi dồn hết các nguồn lực để chăm lo đời sống của nhân dân. Những năm trước, kinh phí bắn pháo hoa ở một điểm là 600 triệu đồng. Với số tiền này, có thể dùng để xây được 11 ngôi nhà hoặc tặng 11 sổ tiết kiệm cho người dân, để ổn định cuộc sống”- ông Dũng chia sẻ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, 5 trận lũ liên tiếp chỉ hơn 1 tháng qua đã khiến 39 người chết và mất tích, trên 700 ngôi nhà bị sập, 22 tàu cá bị chìm, hàng chục ngàn ha hoa màu, diện tích lúa hư hỏng…
Chủ tịch D tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, điều lo lắng nhất, lũ liên tiếp tàn phá làng quê Bình Định khiến nhiều tài sản của nhân dân bị cuốn trôi sạch, cuộc sống trắng tay, nhiều người dân đang lâm cảnh “màn trời chiếu đất”.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ lo ổn định cuộc sống của người dân, sau đó sẽ khắc phục hạ tầng. Trong đó, việc đầu tiên là tập trung nguồn lực để khắc phục sự cố sa bồi, thủy phá trên đồng ruộng, khôi phục hệ thống kênh mương, khơi thông gần 300 km kênh mương bị vùi lấp, sạt lở để bảo đảm đường dẫn nước tưới. Nhà nước sẽ cấp giống chất lượng để người dân gieo sạ, không để tình trạng thiếu giống mà người dân phải dùng lúa thịt để gieo sạ, ảnh hưởng đến chất lượng mùa màng. Về lâu dài, tiếp tục khắc phục những hạ tầng hư hỏng và chắc phải 5 năm đến 10 năm, chứ không phải một sớm một chiều mà xong. Tinh thần là những cái gì bức xúc nhất thì ưu tiên làm trước, chứ không thể dàn trải”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Doãn Công