1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Biệt thự sai phép ở khu Thảo Điền: Làm lơ và làm liều?

Tâm Linh

(Dân trí) - Chuyên gia quy hoạch nhận định, các biệt thự sai phép, không phép ở Thảo Điền không chỉ do trách nhiệm của cơ quan quản lý và sự "liều" của người dân, còn đến từ tầm nhìn của thành phố trước đây.

Đề cập tới gần 30 công trình biệt thự, nhà xây dựng không phép và sai phép ở phường Thảo Điền vừa được Thanh tra TP Thủ Đức (TPHCM) công bố, trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị của thành phố (đề nghị giấu tên) đã đưa ra phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự vụ này.

Biệt thự sai phép ở khu Thảo Điền: Làm lơ và làm liều? - 1

Đoàn thanh tra TP Thủ Đức đã phát hiện 11 công trình xây dựng không phép, chủ yếu biệt thự và nhà ở tại phường Thảo Điền (Ảnh: Hải Long).

Sự bao che của cơ quan quản lý?

Theo chuyên gia, trách nhiệm quản lý xây dựng các công trình nói trên thuộc Sở Xây dựng TP và Phòng quản lý đô thị của các địa phương, thường có 2-3 cấp quản lý liên quan đến mảng xây dựng.

"Khó có chuyện các cơ quan quản lý không nắm tình hình về các công trình ở địa phương mình. Nhà bình thường đục tường để sửa họ đều biết, chưa nói đến những công trình lớn như hồ bơi biệt thự.

Đa phần đối với các công trình không quá gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoặc chưa gấp gáp quy hoạch dự án, thường xảy ra tình trạng "làm lơ" của cơ quan quản lý", vị này khẳng định.

Chuyên gia nhìn nhận có 2 kiểu "làm lơ".

Thứ nhất, chủ đầu tư muốn công trình xây dựng được khai thác, đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả cho bản thân họ hoặc cho cộng đồng sẽ có những động thái "xin" cơ quan quản lý tạo điều kiện linh động, châm chước. Ví dụ cho xây trước rồi bổ sung thủ tục giấy tờ liên quan sau.

Tuy nhiên, kiểu "làm lơ" thứ hai là bao che cái không tốt. Cơ quan quản lý cho chủ đầu tư xây dựng công trình sai để đạt mục đích cá nhân, thu lợi bất chính, thể hiện sự thiếu trách nhiệm... 

Sai phạm sẽ bị phát hiện sớm hay muộn tùy vào mức độ vi phạm, sự ảnh hưởng và hậu quả của các hành vi làm lơ này.

Sự "làm lơ" của cơ quan quản lý liên quan đến sự "làm liều" của người dân (chủ đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân...) trong việc xây dựng các công trình ở địa phương.

Về mặt này, trước hết chuyên gia quy hoạch đề cập đến việc: Tại sao TPHCM luôn là điểm nóng trong vi phạm xây dựng. Theo chuyên gia, TPHCM là đô thị đông dân số, có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu xây dựng (nhà ở nói chung) lớn hơn nơi khác, kéo theo giá trị đất đai tăng cao.

Việc các công trình nhà chưa được cấp phép xây dựng nhưng vẫn xây, có nhiều lý do. Trong đó, một nguyên nhân là quá trình cấp phép xây dựng của TPHCM nghiêm ngặt, nhiều thủ tục mới có thể được phép.

Lúc này, chủ đất hay chủ đầu tư làm thủ tục khó khăn đã "làm liều" chi tiền để cơ quan quản lý tạo điều kiện hoặc tự ý xây dựng trước để hoạt động. 

Theo chuyên gia, quy hoạch đất ở xây dựng mới và đất hỗn hợp là 2 loại có tính chất gần như đất ở, nhưng không dành cho nhà ở đơn lẻ, mà phải lập quy hoạch gồm hạ tầng (đường giao thông, công viên… đi kèm), do đó thường có thủ tục rườm rà và nhiều bước phê duyệt mới có thể sử dụng.

Trong khi đó, theo luật pháp, người dân muốn xây dựng công trình gì phải làm theo đúng quy hoạch. Ví dụ đất ở hiện hữu, đất đã được duyệt hay vẫn còn là đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, đất vướng quy hoạch treo quá lâu.

Do thủ tục cấp phép nhiều, người dân đợi lâu sốt ruột nên thường "làm liều" xây trước.

Biệt thự sai phép ở khu Thảo Điền: Làm lơ và làm liều? - 2

Khu nhà hàng ở phường Thảo Điền có công trình xây không phép về kết cấu tường gạch, cột sắt, xà gồ, mái tôn, mái ngói (Ảnh: Hải Long).

Hạn chế của quá khứ

"Vấn đề nổi cộm của khu Thảo Điền là đường ven sông Sài Gòn - hệ quả của quá khứ để lại", chuyên gia quy hoạch nói.

Vị này cho biết, khoảng 20-30 năm trước, khái niệm đường ven sông (gồm một quỹ đất ven sông để phục vụ cộng đồng) chưa được chính quyền thành phố quan tâm nhiều.

Khu Thảo Điền khi đó trở thành là ốc đảo hấp dẫn người giàu, người có tiền, người nước ngoài. Họ xin chính quyền cho làm dự án biệt thự tỷ lệ 1/100 ở đó, thì nghiễm nhiên họ được giao cả phần đất giáp với bờ sông.

Trong khi đó, về mặt quy hoạch, nếu thành phố có tầm nhìn tốt hơn cần phải giữ lại quỹ đất ven sông để sau này làm đường ven và các công trình bám sát trục đường đó phục vụ cộng đồng.

Song, chuyên gia cũng nhìn nhận trong khoảng hơn 10 năm nay, TPHCM đã có sự quan tâm đến vấn đề này, đang tìm cách thuyết phục, động viên, yêu cầu các chủ đầu tư cắt ranh giao lại đất làm đường ven sông.

Thảo Điền vốn dĩ nổi tiếng là khu biệt thự cho thuê và người nước ngoài sống nhiều, có điều kiện tự nhiên thuận lợi về mặt sông nước, vị trí đắc địa gần trung tâm thành phố, cảnh quan đẹp, không khí mát mẻ. 

"Nếu như được phép quy hoạch xây dựng các biệt thự tại nơi đây thì hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, quay lại câu chuyện xử lý các biệt thự vi phạm ở Thảo Điền, cần phải xem xét phần công trình đó có đúng quy hoạch không, xem quy hoạch đất đó có mục đích sử dụng khác như công viên cây xanh, đất giao thông không...", chuyên gia nói.

Ngoài ra, trong khoảng chục năm gần đây có các chung cư "mọc" lên ở khu Thảo Điền, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng của địa phương và thành phố cần cân đối lại về hạ tầng xã hội (giao thông, trường học, bệnh viên…) để đảm bảo dân sinh ổn định.

Biệt thự sai phép ở khu Thảo Điền: Làm lơ và làm liều? - 3

Địa phận phường Thảo Điền là doi đất nằm ven sông Sài Gòn, dọc đường Võ Nguyên Giáp hay Xa lộ Hà Nội cũ (Ảnh: Ip Thiên - Đồ họa: Tâm Linh).

Phường Thảo Điền (quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức) có tổng diện tích tự nhiên 375,8ha được chia thành 6 khu phố, gồm 61 tổ dân phố, 11.278 hộ dân với gần 30.000 nhân khẩu (trong đó có hơn 23.000 người Việt và hơn 6.000 người nước ngoài sinh sống, làm việc).

Trên địa bàn phường có nhiều chung cư cao tầng, căn hộ, khu dân cư cao cấp, nhiều công trình nhà ở cho người nước ngoài thuê.