Biến vỏ dừa bị vứt đi làm thứ hữu ích, giúp cứu hàng triệu cây xanh
(Dân trí) - Vỏ dừa vốn bị bỏ đi, thậm chí chất đống gây rác thải đã được biến thành sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường.
Mỗi năm, có nhiều cây bị đốn hạ để làm các tấm pallet gỗ (tấm kê hàng). Mặt khác, thế giới thu hoạch 74 tỷ quả dừa/năm, sau khi dùng phần nước, phần vỏ sẽ bị bỏ đi.
Trong đó có khoảng 85% vỏ dừa được đốt bỏ, ném xuống đại dương hoặc chất thành đống gây ra rác cho môi trường.
Nhận thấy sự lãng phí này, năm 2016, công ty khởi nghiệp CocoPallet của Hà Lan đã thương mại hóa quy trình lấy vỏ dừa để tạo ra các tấm pallet.
Tại nhà máy ở Indonesia, vỏ dừa được nghiền ở nhiệt độ cao. Chất Lignin trong xơ sẽ ép các mảnh vụn lại với nhau tạo ra pallet ở nhiệt độ cao. Sản phẩm đưa ra thị trường thân thiện với môi trường không chứa các dung môi tổng hợp hoặc keo hóa học.
Quy trình tạo ra các tấm pallet của CocoPallet rẻ hơn so với dùng gỗ tự nhiên. Với quy trình này, cần khoảng 60-70 vỏ dừa để tạo ra một pallet song độ chắc chắn vẫn đảm bảo như các tấm làm bằng gỗ hoặc nhựa.
Đây là kết quả nghiên cứu của ông Jan Van Dam, Đại học Wageningen (Hà Lan) giúp phát triển sản phẩm cho CocoPallet.
Quá trình biến vỏ dừa thành tấm pallet dựa theo quy trình từ xưa ở Indonesia mà chỉ một số người biết. Nhà nghiên cứu Van Dam cho biết, ông có thể tái tạo quy trình và biến sản phẩm xưa kia thành thứ mà xã hội ngày nay cần.
Nhà nghiên cứu này còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, một người đàn ông Indonesia bước vào văn phòng tại trường đại học với một tấm pallet trên tay.
"Nó trông như miếng bìa cứng, nhưng người đó nói nó không làm từ gỗ mà làm từ vỏ dừa.
Vật liệu cứng như gỗ từ vỏ dừa, điều đó mới mẻ với tôi", ông Van Dam nhớ lại. Điều đó khiến cho nhà nghiên cứu nhận thấy tiềm năng to lớn từ vỏ dừa, đặc biệt là châu Á - nơi có nhiều rác thải là vỏ dừa. Với sự sáng tạo này, ước tính CocoPallet cứu hơn 200 triệu cây xanh tránh bị chặt mỗi năm.