Biến đổi khí hậu cực đoan, khắc phục hậu quả mất nhiều công sức, tiền của
(Dân trí) - "Ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, không nước nào có thể làm một mình", Thủ tướng nhấn mạnh. Ông nhận định biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến phức tạp, hậu quả ngày càng lớn.
Nhận định này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26), sáng 2/10.
Thực tế, theo người đứng đầu Chính phủ, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng lớn, khắc phục mất nhiều công sức, tiền của.
"Ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách mà không nước nào có thể tự làm một mình", Thủ tướng nhấn mạnh và nói thêm rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng là việc không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc và làm phải có hiệu quả.
Dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết COP26, Thủ tướng chỉ ra việc này được thực hiện chưa đồng đều, một bộ phận làm chưa tốt.
Bên cạnh đó, các chính sách, quy định liên quan nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, chuyển đổi năng lượng còn hạn hẹp so với yêu cầu phát triển.
"Cơ chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý phải thông minh. Việc xây dựng các quy định trong lĩnh vực này phải với tư duy đổi mới, phát triển, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Với những vấn đề mới, khó như ứng phó biến đổi khí hậu, theo Thủ tướng, phải có tư duy, cách tiếp cận phù hợp, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Nhấn mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công - tư, nguồn lực ngoài Nhà nước, sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, theo ông, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng các phương thức quản trị mới, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ, trang thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, hydrogen xanh…
"4 điểm được" trong ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết COP26
Thứ nhất, nhận thức và hành động được thống nhất và tăng cường, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết.
Thứ hai, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, triển khai các cam kết (nội dung cam kết và việc triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 đã được nhanh chóng lồng ghép, cụ thể hóa thành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương), điển hình là triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thứ ba, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm, cam kết, triển khai các dự án cụ thể của các đối tác quốc tế; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu với tiềm lực kinh tế, công nghệ cao, công nghệ ít phát thải khí nhà kính đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực.
Thứ tư, có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức và hành động, tự giác, nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi người dân.