Bị Thủ tướng truy về chống dịch lúc nửa đêm, lãnh đạo An Giang họp khẩn
(Dân trí) - Đêm 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính truy lãnh đạo An Giang về công tác chống dịch tại huyện An Phú. Sáng 15/9, lãnh đạo tỉnh An Giang họp khẩn với lãnh đạo 4 huyện, thành phố.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại địa bàn huyện biên giới An Phú và một số địa phương lân cận, ngày 15/9, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh An Giang đã trực tiếp kiểm tra và làm việc làm việc với lãnh đạo huyện An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu và TP Châu Đốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, tập trung bàn các giải pháp để khống chế các ổ dịch phức tạp ở huyện An Phú - địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất tỉnh An Giang với 945 ca, trong đó có 587 trường hợp trong cộng đồng.
Riêng khu vực thị trấn Long Bình và xã Khánh An phức tạp nhất với 3 ổ dịch gồm: 2 ổ dịch là các khu nhà "ổ chuột" thuộc ấp Tân Bình, thị trấn Long Bình và ổ dịch tại làng bè của xã Khánh An.
Ông Ngô Công Thức, Bí thư Huyện ủy An Phú, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện An Phú cho biết, trong 2 ngày 12 và 14/9, toàn huyện An Phú đã phát hiện 92 ca mắc Covid-19. Trong thời gian tới, An Phú sẽ đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng theo hình thức mẫu gộp để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; tiến hành cung cấp nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, thuốc khử khuẩn cho người dân trong khu phong tỏa,…
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang thông tin, ngành công an đã lên kế hoạch phong tỏa vòng ngoài và vòng trong tại các ổ dịch thị trấn Long Bình và xã Khánh An.
Ngoài ra, Công an tỉnh An Giang đã cho tăng cường cán bộ, chiến sĩ, tổ chức trực 24/7; điều động 2 xe y tế lưu động chở các thiết bị y tế lưu chuyển trong các ổ dịch để kiểm tra test nhanh, tập trung truy vết để di dời dân trong các khu nhà xập xệ, khu "ổ chuột".
Bên cạnh đó, lực lượng công an đã chuẩn bị 50 tấn gạo, 10 tấn cá hỗ trợ người dân khu phong tỏa và số tiền 500 triệu đồng để mua các thiết bị y tế hỗ trợ các hộ dân. Giám đốc Công an tỉnh An Giang khẳng định, trong vòng 10 ngày tới sẽ khống chế, kiểm soát 2 ổ dịch tại hai khu nhà "ổ chuột" thuộc ấp Tân Bình, thị trấn Long Bình; quyết tâm không để dịch bệnh lây lan.
Địa phương nào để chuyển từ xanh sang đỏ có thể thay cả lãnh đạo
Sau khi trực tiếp kiểm tra và làm việc với lãnh đạo huyện An Phú, Phú Tân và thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh An Giang yêu cầu, huyện An Phú phải áp dụng Chỉ thị 16 ở mức cao hơn tại các ổ dịch nói trên; đồng thời thực hiện "giới nghiêm" không để người dân ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết như khám chữa bệnh.
Ngoài ra, cho xét nghiệm liên tục để bóc tách F0, thậm chí giãn dân trong các khu phong tỏa để giữ vững an toàn.
Đối với ổ dịch ở làng bè thuộc xã Khánh An, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh An Giang yêu cầu huyện An Phú xem xét, nếu ổ dịch phức tạp thì yêu cầu không để các bè cá neo gần nhau, tránh lây nhiễm.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cũng yêu cầu lãnh đạo huyện An Phú giao nhiệm vụ cụ thể cho các xã, thị trấn. "Nơi nào "vùng xanh" thành "vùng đỏ" phải xử lý trách nhiệm, thậm chí thay cả lãnh đạo" - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang, tính đến 6h sáng 15/9, toàn tỉnh An Giang ghi nhận 2.946 trường hợp mắc Covid-19.
Riêng ngày 14/9, toàn tỉnh ghi nhận 60 trường hợp mắc Covid-19, trong đó huyện An Phú ghi nhận số trường hợp mắc Covid-19 cao nhất tỉnh với 33 trường hợp (cụ thể có 13 trường hợp trong khu cách ly tập trung, 19 trường hợp phát hiện tại xã Khánh An và 1 trường hợp phát hiện tại xã Quốc Thái.
Bạc Liêu sẵn sàng hỗ trợ Kiên Giang, Tiền Giang chống dịch
Ngày 13/9, Văn phòng Chính phủ có công văn cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để chủ động phòng chống dịch trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh khẩn trương chuẩn bị về nhân lực, phương tiện cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang khi có yêu cầu trong việc xét nghiệm thần tốc, phát hiện F0 nhằm phân loại, chăm sóc, điều trị hợp lý; truy vết, quản lý F1 hiệu quả; tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Chiều 15/9, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh này vẫn còn diễn biến rất phức tạp, tỉnh đã và đang huy động hết các nguồn lực và phương tiện để phòng chống dịch.
Tuy nhiên, để chủ động hỗ trợ các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Bạc Liêu huy động 9 cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ các tỉnh khi có yêu cầu, tình huống xảy ra.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trong 9 nhân lực này có một bác sĩ đa khoa, 3 điều dưỡng, 3 y sĩ, một dược sĩ, một y tế cộng đồng đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và các chi cục, trung tâm của ngành y tế.
Huỳnh Hải