1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao Kiên Giang "đổi màu" từ vùng xanh sang vùng đỏ?

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thừa nhận có sự quản lý lỏng lẻo "chỗ này chỗ kia", không sâu sát. Người dân phản ánh nhiều nơi tuy giãn cách nhưng buôn bán xôm tụ; trong khu cách ly vẫn tụ tập uống rượu...

Quản lý lỏng lẻo

Sáng 14/9, nêu nguyên nhân tỉnh Kiên Giang chuyển từ vùng xanh sang vùng đỏ, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng có sự quản lý lỏng lẻo ở chỗ này chỗ kia ngoài cộng đồng. Nhiều địa phương thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như công tác quản lý tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa chưa chặt chẽ.

Theo ông Thành, khi Bộ Y tế có chủ trương và bố trí sinh phẩm để xét nghiệm diện rộng, tỉnh tiến hành xét nghiệm trong toàn dân nhưng ưu tiên làm các khu nguy cơ cao. Qua đó, phát hiện và bóc tách nhiều ca F0 trong cộng đồng. Đây là yếu tố góp phần khiến Kiên Giang chuyển từ vùng xanh sang đỏ.

Vì sao Kiên Giang đổi màu từ vùng xanh sang vùng đỏ? - 1

Sau cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 13/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Kiên Giang đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ, siết chặt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng nhìn nhận ở một số nơi chưa thật sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cấp ủy Đảng; chưa phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng; một bộ phận nhân dân chưa tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch.

Người dân phản ánh, tại TP Rạch Giá, mặc dù trên địa bàn có 53 vùng phong tỏa, vùng cách ly y tế vì có F0 nhưng người dân phản ánh có tình trạng hàng quán đông đúc, tiểu thương tự phát ở vỉa hè buôn bán khá xôm tụ. Người mua, người bán "quên" giữ khoảng cách 2 m.

Đáng nói, trong khu phong tỏa, cách ly vẫn còn tình trạng người dân giao lưu, thậm chí uống cà phê, uống rượu. Đây là những lý do TP Rạch Giá có hơn 1.000 ca bệnh.

Ngoài ra, tại huyện Kiên Lương, một vùng đang xanh nhưng ngày 28/8 bất ngờ "đổi màu", lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng thừa nhận do địa phương quản lý không sâu sát dẫn đến tại một công ty thực hiện mô hình "3 tại chỗ" bùng phát ổ dịch 65 ca F0, 80 ca F1 và 4 F0 ngoài cộng đồng.

Siết chặt vận tải hàng hóa, lắp camera khu cách ly tập trung

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đưa ra 11 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đến ngày 20/9 là kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, tiếp tục quán triệt nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tỉnh sẽ tăng cường công tác dập dịch, tiếp tục chấn chỉnh và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc cộng đồng để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly triệt để F1 nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm....

Vì sao Kiên Giang đổi màu từ vùng xanh sang vùng đỏ? - 2

Ngoài các công tác đẩy nhanh xét nghiệm cộng đồng, truy vết..., Kiên Giang siết chặt các điểm cách ly tập trung, phong tỏa; bố trí thêm người và lắp đặt camera...

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang cho rằng, kết quả trước mắt tỉnh chuyển từ xanh sang vùng đỏ nhưng thời gian tới sẽ vững tâm hơn và tin tưởng đến ngày 20/9, tỉnh kiểm soát được dịch bệnh. Hiện tại, tỉnh đã kiểm soát 12/15 huyện, thành phố và chỉ còn TP Rạch Giá, huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành.

Sắp tới, tỉnh tăng cường lực lượng truy vết, nhân viên y tế lấy mẫu để làm nhanh hơn nữa công tác xét nghiệm diện rộng. Đồng thời, gắn camera, bố trí người tại các khu cách ly tập trung, tránh tụ tập, gây nhiễm chéo.

Đồng thời, tỉnh Kiên Giang trưng dụng bệnh viện đa khoa cũ có quy mô 2.000 giường, sửa chữa, nâng cấp thành nơi điều trị cho tất cả các bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện này trang bị đầy đủ chức năng khám chữa bệnh, kể cả phẫu thuật, tránh chuyển bệnh nhân Covid-19 đến các cơ sở y tế khác, làm lây nhiễm chéo

Ngoài ra, ông Lâm Minh Thành cũng nhấn mạnh, việc quản lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa (đường bộ và thủy) tỉnh sẽ siết chặt hơn nữa vì thời gian qua đã có những ổ dịch được phát hiện từ tài xế vận chuyển hàng hóa.

Vì sao Kiên Giang đổi màu từ vùng xanh sang vùng đỏ? - 3

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa (đường bộ, đường thủy) khi vào các chốt cửa ngõ Kiên Giang, tài xế và phụ xe phải test nhanh mới được vào địa bàn tỉnh Kiên Giang (Ảnh: Văn Vũ).

Theo đó, tài xế vào tỉnh Kiên Giang ngoài các quy định thông hành như hiện nay (quét mã QR, kết quả xét nghiệm PCR âm tính, lịch trình giao nhận hàng…) thì khi vào chốt cửa ngõ của tỉnh buộc phải test nhanh (miễn phí). Nếu tài xế và phụ xe có kết quả âm tính, ngành chức năng cấp một giấy đi đường để các chốt bên trong các địa phương không kiểm tra, còn trường hợp dương tính thì cách ly y tế như quy định.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Kiên Giang, từ 19h ngày 11/9, tỉnh có 3.367 ca mắc Covid-19, đã điều trị khỏi 1.305 bệnh nhân, tử vong 25 ca, hiện đang điều trị 2.037 ca.

Về công tác xét nghiệm, đã tổ chức 3 đợt lấy mẫu được 182.519 mẫu gộp cho 1.629.512 lượt người, kết quả 838 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 0,051% số lượt người được lấy mẫu.

Đến 10/9, hơn 235.000 người đã tiêm mũi 1, chiếm 18% dân số trên 18 tuổi và gần 50.000 người tiêm 2 mũi.

Các địa phương có ca mắc nhiều nhất là TP Rạch Giá 1.522 ca, Kiên Lương 474 ca, Hà Tiên 411 ca, Châu Thành 231 ca, Hòn Đất 175 ca. 

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 (từ 0h ngày 14/9 đến ngày 20/9) với 6 địa bàn: Rạch Giá, Hà Tiên, các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương; 9 địa phương còn lại thực hiện Chỉ thị 15.

Ngày 11/9, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ tướng sốt ruột với thông tin về tình hình tại Kiên Giang, khi số ca mắc vẫn tăng cao mà tỷ lệ F0 phát hiện trong cộng đồng lại tăng mạnh, chiếm 62%.

Thủ tướng chỉ rõ, Kiên Giang đã quán triệt không hết, tổ chức thực hiện không tốt các biện pháp vốn đã được nêu đầy đủ, rất cụ thể trong các công điện gần đây của Thủ tướng. Các nguyên nhân gây bùng phát dịch tại Kiên Giang đều đã có các bài học kinh nghiệm từ trước tại các địa phương khác, nhưng tỉnh vẫn chủ quan, lơ là, khi có dịch lại chưa làm tốt việc xét nghiệm thần tốc để phát hiện, bóc tách F0.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện thật tốt để kiểm soát dịch.