Thủ tướng họp chỉ đạo chống dịch với 2 tỉnh "đang xanh rờn thành đỏ rực"
(Dân trí) - Kiên Giang và mới đây là Tiền Giang có diễn biến dịch phức tạp trong những ngày qua khi nhiều địa bàn đang "xanh", "cam" trở thành "đỏ" đáng lo ngại. Thủ tướng yêu cầu 2 địa phương báo cáo trực tiếp.
Sáng 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì họp trực tuyến với các xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố, các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch.
Yêu cầu lãnh đạo tỉnh kiểm điểm rút kinh nghiệm
Theo VOV, phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của chủ trương lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Việc đưa y tế về cơ sở gần dân nhất đã góp phần quan trọng giảm tải tuyến trên, người nhiễm bệnh tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất và giảm các số ca tử vong.
Riêng hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang tình hình diễn biến vẫn còn phức tạp. Nhiều đơn vị xã, phường, thị trấn đang "xanh", đang "cam" trở thành "đỏ", rất đáng lo ngại.
Thủ tướng phân tích, 20 tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch, tình hình dần kiểm soát được. Việc 2 tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, số "vùng đỏ", "vùng cam" tăng những ngày qua là đi ngược tình hình chung.
Do đó, Thủ tướng muốn nghe 2 địa phương này trình bày về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, trên cơ sở đó, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó, điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, các biện pháp chống dịch cho hiệu quả.
Họp Ban chỉ đạo quốc gia 2 ngày trước, Thủ tướng sốt ruột với thông tin về tình hình tại Kiên Giang, khi số ca mắc vẫn tăng cao mà tỷ lệ F0 phát hiện trong cộng đồng lại tăng mạnh, chiếm 62%.
Thủ tướng chỉ rõ, Kiên Giang đã quán triệt không hết, tổ chức thực hiện không tốt các biện pháp vốn đã được nêu đầy đủ, rất cụ thể trong các công điện gần đây của Thủ tướng. Các nguyên nhân gây bùng phát dịch tại Kiên Giang đều đã có các bài học kinh nghiệm từ trước tại các địa phương khác, nhưng tỉnh vẫn chủ quan, lơ là, khi có dịch lại chưa làm tốt việc xét nghiệm thần tốc để phát hiện, bóc tách F0.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện thật tốt để kiểm soát dịch.
Các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát
Tại cuộc họp hôm nay, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ghi nhận gia tăng các ca mắc mới cộng đồng, các ổ dịch sẽ tiếp tục xuất hiện và có nguy cơ lây lan, bùng phát cao. Trong 7 ngày qua, ghi nhận 1.217 ca, trong đó có 776 ca ghi nhận tại cộng đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng 559, số ca tại cộng đồng tăng 203 ca.
Kiên Giang hiện có 7 huyện có nguy cơ rất cao, 3 huyện có nguy cơ cao và 5 huyện đang ở trạng thái bình thường mới. Tại cấp xã, có 20/144 xã có nguy cơ rất cao, 32/144 xã có nguy cơ cao, 1/144 xã có nguy cơ và 91/144 xã ở trạng thái bình thường mới.
Nhận định, đánh giá tình hình, Bộ Y tế phân tích, đợt dịch thứ 4, Kiên Giang ghi nhận dưới 20 ca/ngày trong giai đoạn đầu, tuy nhiên kể từ ngày 18/8/2021 dịch có xu hướng gia tăng với trung bình 100 ca/ngày (ghi nhận cao nhất là 345 ca/ngày). Số ca mắc phát hiện qua tầm soát cộng đồng, tại cơ sở y tế chiếm 63,7% số mắc trong tuần, tăng 35,4 % so với 7 ngày tuần trước đó.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, trong đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.
Tiền Giang trong đợt dịch thứ 4 ghi nhận dưới 20 ca/ngày trong giai đoạn đầu; từ ngày 29/6 dịch có xu hướng gia tăng với trung bình 190 ca/ngày (ghi nhận cao nhất là 234 ca/ngày).
Dù nhận định chung là dịch hiện đang có chiều hướng giảm dần, các chuỗi ca bệnh cơ bản đã được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa và xử lý nhưng vẫn còn xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng, có nguy cơ lây lan, bùng phát.