Bí thư TPHCM: Các ca nhiễm vẫn tăng sau hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 10
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đơn vị phân tích, đánh giá các biện pháp đang thực hiện bởi số ca nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tăng sau hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 10.
Ngày 28/6, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM. Buổi họp diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn còn nhiều diễn biến phức tạp, thành phố cũng sắp kết thúc 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội đợt 2.
Tại buổi họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, nhận định sau khoảng thời gian đầu giãn cách xã hội, thành phố đã khống chế sự lây lan của 2 ổ dịch lớn tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Tuy nhiên, cùng thời điểm trên, TPHCM đối mặt với nhiều ổ dịch mới phát sinh, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, tăng cường, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
"Sau hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 10, các ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng. Chúng ta cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện", Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu.
Mở chiến dịch cao điểm tìm F0
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM yêu cầu các đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, về việc tăng cường truy vết nhanh hơn, thần tốc hơn. Trong đó, kết quả xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm cần đạt tốc độ tối đa.
Trong thời gian tới, thành phố cần mở chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm diện rộng toàn địa bàn.
"Thành phố cần xem xét lại việc tổ chức thực hiện xét nghiệm, trả kết quả. Việc sử dụng test nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp giúp phát hiện trường hợp dương tính sớm. Ngay khi nhận kit test nhanh được Chính phủ hỗ trợ, thành phố cần lập tức triển khai thí điểm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người và các quận, huyện", ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu tất cả khu cách ly tập trung trên địa bàn cần được rà soát lại trên tinh thần cảnh giác cao nhất.
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thành lập 2 trung tâm, gồm: Trung tâm Thông tin để thu thập, kết nối dữ liệu, phân tích, dự báo dịch Covid-19; Trung tâm phân phối trang thiết bị y tế để đáp ứng kịp thời việc cung ứng cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đối với công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, ông Nên yêu cầu chính quyền thành phố thực hiện sơ kết, đánh giá lại việc triển khai chiến dịch. Từ những kinh nghiệm đã có, thành phố cần rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế cho những chiến dịch tiếp theo.
"Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho phòng chống dịch, cố gắng đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất có thể. Các cơ quan, đơn vị giảm tối đa các cuộc hội họp không cần thiết, thay thế bằng các biện pháp ứng dụng công nghệ", Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Hình thành các tổ công tác đặc biệt khẩn cấp
Kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhận định thành phố đã triển khai một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 trên địa bàn thời gian qua. Tuy nhiên, số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày vẫn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị toàn thành phố phải tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND TPHCM, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch hết sức nghiêm túc.
"Thành phố sẽ thực hiện phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh từng nơi để có các giải pháp phù hợp", ông Nguyễn Thành Phong thông tin.
Theo đó, những quận, huyện có nguy cơ rất cao gồm: quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và một phần của thành phố Thủ Đức.
Nơi có nguy cơ cao là quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Củ Chi và một phần TP Thủ Đức.
Các quận có nguy cơ gồm quận 7, 10, 11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ.
Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các đội này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban chỉ đạo tại địa phương. Các tổ công tác đặc biệt cần được thiết lập tại nhà ga, sân bay, cảng hàng hải, bến xe và hỗ trợ một số quận, huyện đang có tình hình phức tạp.
Ngành y cần nâng cao năng lực xét nghiệm, xử lý trả kết quả và xét nghiệm nhanh. Thành đoàn TPHCM huy động sinh viên của các trường Y, tổ chức thành những đội xét nghiệm dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế để hỗ trợ cho các quận, huyện.
Trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên từ ngày 31/5 đến ngày 15/6, toàn địa bàn TPHCM ghi nhận 641 bệnh nhân mắc Covid-19.
Trong đợt giãn cách thứ 2 từ 0h ngày 15/6 đến nay, số bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn là hơn 2.000 người.
Hiện tại, dịch Covid-19 đã thâm nhập vào các khu vực trọng yếu của thành phố, như: khu chế xuất, kinh doanh, bệnh viện, chợ đầu mối... Số ca F0 chưa rõ nguồn lây vẫn gia tăng.
Tính đến nay, TPHCM cơ bản hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Tính đến 18h ngày 27/6, đã có 710.773 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong đợt.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, toàn TPHCM ghi nhận 3.374 bệnh nhân đã được công bố.