Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi xin lỗi nhân dân vì sai phạm tại nhà máy rác
(Dân trí) - Với vai trò người đứng đầu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân về những sai sót khi thực hiện dự án nhà máy xử lý rác tại huyện Đức Phổ. Dù vậy, một số người dân vẫn chưa đồng thuận cho nhà máy hoạt động trở lại.
Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ (thôn La Vân, xã Phổ Thạnh) được đầu tư theo hình thức xã hội hóa với số vốn 52 tỷ đồng. Tháng 3/2018, nhà máy bắt đầu vận hành xử lý lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn huyện Đức Phổ. Nhà máy còn có nhiệm vụ xử lý bãi rác tồn đọng lên đến 22.500 m3 tại thôn La Vân.
Chưa đầy 3 tháng sau, người dân xã Phổ Thạnh đã "phong tỏa" nhà máy vì cho rằng dự án có sai phạm. Lãnh đạo các cấp tổ chức nhiều buổi đối thoại nhưng bất thành. Sau đó, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc cho thấy nhiều sở, ngành có sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. Các cá nhân có sai phạm đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Liên quan đến dự án này, ngày 25/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã có buổi đối thoại với người dân xã Phổ Thạnh.
Với trách nhiệm người đứng đầu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân xã Phổ Thạnh về những sai sót trong quá trình thực hiện dự án.
Theo ông Lê Viết Chữ, hiện hố chôn lấp rác thải cũ cùng với lượng rác thải phát sinh hàng ngày đang gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ông Lê Viết Chữ bày tỏ mong muốn người dân bình tĩnh bàn bạc, đi đến thống nhất hướng giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải như hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị, người dân đồng thuận để nhà máy rác vận hành đến năm 2022 nhằm xử lý hết 22.500 m3 rác tồn đọng hàng chục năm qua. Đồng thời, xử lý lượng rác phát sinh của 3 xã Phổ Thạnh, Phổ Khánh và Phổ Châu. Trong thời gian này, tỉnh sẽ huy động nguồn lực xây dựng khu xử lý rác thải phía Nam của tỉnh.
Để đi vào hoạt động trở lại, chủ đầu tư nhà máy phải hoàn tất các biện pháp bảo vệ môi trường, trồng cây xanh. Ngoài các cơ quan chức năng, người dân cũng tham gia giám sát hoạt động của nhà máy.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đặt trạm quan trắc tự động, tổ chức lấy mẫu kiểm định và công bố cho người dân biết. Nếu kết quả kiểm định đạt chuẩn theo quy định mới cho nhà máy hoạt động, nếu vi phạm thì phải dừng hoạt động", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Tham dự buổi đối thoại, ông Lý Thành Công (thôn La Vân) bày tỏ đồng thuận với những đề nghị được nêu. Theo ông Công, dù muộn nhưng người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi đã nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân. Vấn đề hiện nay là cần tìm tiếng nói chung để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải trên địa bàn xã Phổ Thạnh.
"Quan điểm của tôi là cho nhà máy hoạt động trở lại để giải quyết hố rác tồn đọng, xử lý rác phát sinh hàng ngày đến năm 2022. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải khắc phục ngay một số thiếu sót, chính quyền phải cam kết thực hiện đúng đề nghị đã nêu", ông Công nói.
Nhiều người dân khác cũng đồng tình cho nhà máy hoạt động trở lại. Theo người dân, không chỉ hố rác tồn đọng lên đến 22.500 m3, mà rác thải sinh hoạt hàng ngày không có nơi xử lý đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.
"Hố rác tồn đọng đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, rồi rác thải phát sinh hàng ngày sẽ ùn ứ thêm. Nếu không cho nhà máy hoạt động trở lại làm sao xử lý lượng rác này?", ông Trần Ngọc Thạch nêu quan điểm.
Bên cạnh ý kiến đồng thuận, một số người dân giữ nguyên quan điểm yêu cầu di dời nhà máy xử lý rác. Những ý kiến này lo ngại khi nhà máy hoạt động trở lại sẽ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
"Nhà máy đã sai thì phải di dời. Tôi không đồng ý cho nhà máy hoạt động trở lại", bà Mai Thị Sâm, thôn Thạch Bi 1, nêu ý kiến.
Phát biểu kết thúc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ tiếp tục đề nghị người dân đồng thuận để nhà máy hoạt động đến tháng 9/2022. "Dù có những ý kiến khác nhau nhưng vì mục tiêu chung là giải quyết ô nhiễm, tạo môi trường sống trong lành, tôi tha thiết đề nghị bà con suy nghĩ, bàn bạc. Khi nào bà con đi đến đồng thuận cao thì chúng ta thực hiện", ông Chữ nói với người dân xã Phổ Thạnh.
Kết thúc buổi đối thoại, giữa chính quyền và người dân vẫn chưa đi đến được thống nhất chung.
Quốc Triều