Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói gì về xây nhà hát 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm?
(Dân trí) - “Tiền xây dựng nhà hát không ảnh hưởng gì đến tiền đền bù cho người dân. Tiền đền bù cho dân là sử dụng tiền ngân sách. Tiền nhà hát là tiền bán đất mấy năm trước. Hai việc này khác nhau và sử dụng nguồn tiền khác nhau...”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 diễn ra chiều 16/10, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã được Chủ tịch HĐND TPHCM báo cáo về việc thông qua quyết định đầu tư dự án Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá 1.500 tỷ đồng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Theo đó, trước khi thông qua dự án, HĐND TP đã có những đoàn đi khảo sát, làm việc với các sở ngành liên quan đến dự án nhà hát.
“Tuy nhiên có thể thông tin chưa được truyền tải đầy đủ nên khi quyết định làm thì có những ý kiến còn băn khoăn”, ông Nhân nói.
Bí thư Nhân dẫn ý kiến của người dân trên mạng xã hội: “Tiền đền bù cho người dân ở Thủ Thiêm chưa có, tại sao lại xây nhà hát?”.
Theo người đứng đầu Đảng bộ TP, đây là 2 việc khác nhau. Việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm là làm theo quy trình sau khi có kết luận Thanh tra. Sau khi UBND TP ban hành giải pháp thì tiền mới “nhúc nhích” được.
“Tiền xây dựng nhà hát không ảnh hưởng gì đến tiền đền bù cho người dân. Tiền đền bù cho dân là sử dụng tiền ngân sách. Tiền nhà hát là tiền bán đất mấy năm trước. Hai việc này khác nhau và sử dụng nguồn tiền khác nhau. Không vì nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho dân. Quan điểm này rất rõ”, ông Nhân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhân, người Pháp xây dựng Nhà hát TP cách đây hơn trăm nay và hiện vẫn đang sử dụng. Bây giờ, thành phố có hơn 10 triệu dân, trong đó 5 triệu lao động (30% có trình độ đại học, cao đẳng) và khoảng 100.000 người nước ngoài sinh sống.
Do vậy, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch ngoài việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa còn là nơi phục vụ nhu cầu giao lưu của các đoàn nghệ thuật quốc tế. Đồng thời, nơi đây còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực kế cận cũng như hình thành lượng khán giả mới.
“Hơn nữa, nhà hát rộng, âm thanh tốt, ghế tốt thì ngoài ra còn biểu diễn nhạc giao hưởng, opera, còn biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác như giám đốc nhà hát nói cũng có thể dành cho nghệ thuật hát cải lương, thậm chí tổ chức mít tinh quan trọng cũng được…”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, Đoàn hát giao hưởng nhạc vũ kịch của thành phố thành lập năm 1993, lúc đó có 20 nghệ sĩ. Đến nay, đoàn đã có 200 nghệ sĩ. Hiện văn phòng ở Nhà hát Thành phố, còn chỗ tập nhạc, múa đều phải đi thuê. Mỗi năm ngân sách chi hết 900 triệu tiền thuê địa điểm tập luyện.
Nói thêm về việc chọn xây nhà hát tại Thủ Thiêm, Bí thư Nhân cho biết quy hoạch Nhà hát đã có và đúng ra đã hoàn thành từ năm 2015 theo quy hoạch của Chính phủ. Nhiều kỳ đại hội Đảng bộ TP cũng nhắc tới nhưng chưa làm được.
“Thành phố chọn đưa về Thủ Thiêm vì ở đây có nhiều công trình như có trung tâm triển lãm, quảng trường trung tâm, công viên… cho nên đưa Nhà hát về đây có sự tương thích”, ông Nhân nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP cũng đưa ra số liệu đầu tư cho bệnh viện, trường học thời gian qua để thấy được sự tương quan của số tiền bỏ ra xây nhà hát tại Thủ Thiêm.
Cụ thể, số tiền đầu tư xây trường học, bệnh viện trong nhiệm kỳ này hơn 34.600 tỷ đồng, 3 nhiệm kỳ gần nhất là 57.800 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách thành phố 3 nhiệm kỳ gần nhất là 355.000 tỷ đồng.
Cuối cùng, Bí thư Nhân nhận định vấn đề truyền thông liên quan dự án Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch giúp thành phố rút ra bài học kinh nghiệm.
“Trong khi nội bộ nắm thông tin đầy đủ nhưng việc cung cấp thông tin đưa nhà hát về Thủ Thiêm trong thời điểm nhạy cảm không đầy đủ, khiến dư luận băn khoăn”, ông Nhân nói.
Trách nhiệm của thành phố là phải giải thích cho người dân hiểu – người đứng đầu Đảng bộ TPHCM kết luận.
Quốc Anh