1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bí thư Hải Dương lý giải vì sao Covid-19 bùng phát rộng trong tỉnh

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Chí Linh có tốc độ lây lan nhanh; dịch bùng phát ở doanh nghiệp có đông công nhân;... là hai trong bốn khó khăn trong việc dập dịch của Hải Dương.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, ngày 27/1, ngay khi nắm được thông tin một cô gái 32 tuổi ở TP Chí Linh (Hải Dương) dương tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm ở sân bay của Nhật Bản, tỉnh này đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần khẩn trương.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lệnh phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh theo hình thức cách ly xã hội đã quy định trong hạn 21 ngày, từ 12h ngày 28/1/2021.

Ông Thăng đánh giá, tỉnh Hải Dương đã vào cuộc rất quyết liệt khi nắm được thông tin dịch ở TP Chí Linh.

Bí thư Hải Dương lý giải vì sao Covid-19 bùng phát rộng trong tỉnh - 1

Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Tuy nhiên, theo ông Thăng, trong "cuộc chiến" với dịch Covid-19, tỉnh Hải Dương gặp bốn khó khăn quan trọng, cụ thể:

Chủng virus SARS-CoV-2 mà cô gái nói trên bị nhiễm sau khi giải mã gen là chủng virus biến thể của Anh. Theo các chuyên gia y tế đánh giá, chủng virus này có tốc độ lây lan rất nhanh hơn so với chủng virus SARS-CoV-2 trước đó. Chính vì vậy, công tác chống dịch của Hải Dương gặp vô vàn khó khăn. 

Khó khăn tiếp theo, ông Thăng phân tích, dịch bệnh bùng phát tại Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam (chi nhánh ở TP Chí Linh, Hải Dương) có số lượng công nhân rất lớn. Số ca mắc Covid-19 tại Công ty POYUN ngay từ đầu là rất lớn, thời gian ủ bệnh đã lâu, chỉ được phát hiện khi có thông tin cô gái mắc Covid-19 ở sân bay Nhật Bản nói trên. 

"Thời gian ủ bệnh lâu, do đó, sau này chúng ta phát hiện thì thực chất là xử lý các ca đã bị mắc rồi chứ không phải xử lý ngay từ đầu", ông Thăng nói về việc xử lý ổ dịch ở Công ty POYUN.

Một khó khăn nữa, ông Thăng phân tích tiếp, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, không giống như chủng virus cũ, chủng mới này khi người mắc thì 80% không có biểu hiện. Chính điều này gây khó khăn cho công tác khám sàng lọc, cách ly những người có nguy cơ.

"Chủng virus cũ người mắc thường có các biểu hiện điển hình như ho, sốt, khó thở, nhưng chủng mới này 80% người mắc không có biểu hiện nên rất khó cho việc sàng lọc để khám, xét nghiệm và cách ly", ông Thăng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết thêm, khó khăn thứ tư mà Hải Dương phải đối mặt đó là dịch bệnh bùng phát đúng dịp cận Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, lại là địa bàn có rất đông công nhân cho nên việc phòng, chống dịch bệnh của tỉnh trở nên rất khó khăn so với các tỉnh khác. 

Tính đến 15h ngày 17/2, tỉnh Hải Dương ghi nhận 558 ca mắc Covid-19 ở tất cả 12/12 huyện, thị xã, thành phố. Đã có 64 trường hợp được điều trị khỏi và ra viện. Hiện tỉnh Hải Dương có 4 ổ dịch lớn là Chí Linh (354 ca); Kinh Môn (56 ca), TP Hải Dương (26 ca); Cẩm Giàng (74 ca).

"Đến thời điểm này chúng tôi đã kiểm soát toàn bộ tình hình dịch bệnh ở TP Chí Linh. Toàn bộ trường hợp có nguy cơ cao ở đây thì đã được cách ly, những ca dương tính mới đều phát sinh trong khu cách ly này. Ở khu dân cư, chúng tôi đã tiến hành sàng lọc ở những nơi có nguy cơ cao thì đều cho kết quả âm tính", ông Thăng nói và cho biết thêm, các địa phương còn lại cũng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và tỉnh Hải Dương, ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng - Hải Dương vẫn diễn biến phức tạp, bởi địa bàn này có nhiều khu công nghiệp với lượng công nhân rất lớn.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, đối với ổ dịch Cẩm Giàng, tỉnh này đang tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sát sao hơn nữa. 

Bí thư Hải Dương lý giải vì sao Covid-19 bùng phát rộng trong tỉnh - 2

Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương động viên đội ngũ cán bộ y tế và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm SARS- CoV-2. (Ảnh: Quốc Vinh).

Về ý kiến cho rằng công tác truy vết, xét nghiệm ở Hải Dương còn chậm, ông Thăng cho biết đã giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nâng công suất xét nghiệm tối đa lên 30.000 mẫu/ngày. Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Hải Dương xét nghiệm tại các địa bàn; xây dựng kế hoạch xét nghiệm cụ thể, trong đó ưu tiên các trường hợp F2, người có nguy cơ cao và trả kết quả ngay trong ngày.

Để bảo đảm công tác lấy mẫu, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương huy động sinh viên tham gia tình nguyện lấy mẫu xét nghiệm. Sở Y tế tham mưu mua sắm trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp để nâng công suất giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 2, bảo đảm điều kiện xét nghiệm, điều trị.

Đối với Bệnh viện dã chiến số 3, Sở Y tế sớm tiếp nhận phòng điều trị do Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ. Trong điều kiện chưa có bệnh nhân thì sử dụng Bệnh viện dã chiến số 3 làm khu cách ly. Các cơ sở y tế trong tỉnh phải tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; khám sàng lọc các bệnh nhân đến khám, chữa bệnh;...