1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí thư Hà Nội yêu cầu sơ tán dân khỏi "rốn lũ" ở ngoại thành

Hà Mỹ

(Dân trí) - Nhấn mạnh còn hơn 1.000 hộ dân đang ở vùng lũ tại huyện Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị địa phương tính toán, tiếp tục lên phương án sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân.

Chiều 29/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng đoàn công tác của thành phố đi thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. Nhiều xã tại hai địa phương này hứng chịu ngập lụt suốt những ngày qua do nước sông Bùi, sông Đáy dâng cao. 

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, huyện ghi nhận lượng mưa lớn lên tới 406,1mm liên tục trong các ngày 22-29/7. 

Tính đến 7h ngày 29/7, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt là 7,4m, cao hơn báo động 3 là 0,4m; mực nước sông Đáy tại Ba Thá 6,3m, dưới báo động 3 là 0,3m. 

Bí thư Hà Nội yêu cầu sơ tán dân khỏi rốn lũ ở ngoại thành - 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng đoàn công tác của thành phố kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, chiều 29/7 (Ảnh: Thanh Hải).

Mưa lũ kéo dài một tuần qua tại huyện Chương Mỹ đã làm vỡ hai vai đập tại xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến, làm hư hỏng 601m kênh tại các xã: Hồng Phong, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến và 103 cầu, cống, đập nhỏ...

Hơn 4,8km đê cũng bị ngập nước thuộc địa bàn 11 xã; 407m đường giao thông nội đồng bị sạt lở; 24 thôn, xóm bị ngập với  trên 1.300 hộ bị ngập 0,5-2m; hơn 1.500 hộ bị ngập lối đi. 

Thống kê thiệt hại của huyện do ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 2 ước tính khoảng 92 tỷ đồng.

Để khắc phục, UBND huyện đã huy động hơn 4.700 người và 199 phương tiện tham gia, sử dụng 6.028m3 đất, cát; 52.675 bao tải; 180m2 bạt nilon để đắp chống tràn 2.000m đê tại các đê; xử lý 200m mạch sủi tại đê Hữu Bùi và di dời người dân.

Ngoài ra, Xí nghiệp Đầu tư và khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 17 trạm với 64 máy bơm. UBND huyện Chương Mỹ đã tổ chức cấp phát hơn 1.500 bình nước uống loại 20l và 50 thùng mì tôm tại vùng ngập nặng; lắp đặt téc và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm; bố trí một trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến…

Bí thư Hà Nội yêu cầu sơ tán dân khỏi rốn lũ ở ngoại thành - 2

Nước dâng cao từ một tuần nay, con đường chính dẫn vào xóm Bến Vôi (huyện Quốc Oai, Hà Nội) và đồng ruộng chìm trong biển nước (Ảnh: Hữu Nghị).

Trong khi đó, tại huyện Quốc Oai, tính đến 11h ngày 29/7, địa bàn huyện có 789ha diện tích cây trồng nông nghiệp bị ngập. Các tuyến đường vẫn trong tình trạng ngập gồm: cầu Tân Phú, cầu Đại Thành vẫn ngập sâu 0,4m; tỉnh lộ 421B đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 1m; tuyến đê hữu Đáy có 4 sự cố sạt trượt mái đê...

Kiểm tra thực tế tại các địa bàn là "rốn ngập", Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh riêng huyện Chương Mỹ vẫn còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ. Do đó, huyện cần tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

Về lâu dài, địa phương phải tính đến phương án đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chỗ ở, quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...

Lưu ý với 4,8km đê có nguy cơ suy yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ, bà Hoài yêu cầu lãnh đạo huyện phải khảo sát kỹ và báo cáo kịp thời lãnh đạo thành phố; đồng thời bám sát tình hình trên quan điểm "tính mạng người dân là trên hết" để tập trung chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu khi nước rút, hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai khẩn trương chỉ đạo ổn định sớm cuộc sống cho người dân; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Hai huyện phân công lực lượng chức năng ứng trực 24/24 để xử lý kịp thời sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống.

Chiều 30/7, Thường trực Thành ủy sẽ họp với các ngành để có sự phối hợp, giúp huyện Chương Mỹ, Quốc Oai khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm