1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí thư Hà Nội: Đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ người dân

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Chiều 28/3, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đánh giá kết quả công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023.

Tại phiên họp Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc của Ban Chỉ đạo và vai trò của các thành viên, cơ quan thường trực là Ban Tổ chức Thành ủy. 

Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II-2023, ông Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền bảo đảm thống nhất nhận thức và hành động; tập trung đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tổ chức bộ máy gọn nhưng phải đặc biệt quan tâm cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trưởng Ban Chỉ đạo nhất trí ra thông báo tổ chức thi tuyển đối với việc tổ chức thi tuyển công chức, viên chức khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố năm 2023. 

Đồng thời ra các quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển và tổ chức thi bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ban Chỉ đạo cũng nhất trí tiếp tục triển khai mô hình thi tuyển cán bộ cấp phòng ở các sở, ban, ngành thành phố.

Đối với mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ban Chỉ đạo giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo hoàn thiện báo cáo, đề xuất chính thức thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã sau khi kết thúc thí điểm vào ngày 10/8/2023.

Khẳng định tác dụng, hiệu quả đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị thành phố gắn phân cấp, ủy quyền, nâng cao năng lực phục vụ.

Do đó, ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo sắp tới sẽ tiếp tục thực hiện việc này đối với các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Quy hoạch và Kiến trúc; Tài nguyên và Môi trường; sau đó là Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội,...

"Đây là những vấn đề hệ trọng, phải kiên quyết đổi mới. Có công khai, minh bạch hay không, có nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp chính là ở đây mà ra", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Ông Dũng lưu ý, quan điểm của TP là tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp quận, huyện. Một trong những lĩnh vực phải làm ngay là quản lý vỉa hè, lòng đường.

"Cách làm vừa qua là chưa căn cơ, bài bản. Lòng đường vỉa hè phố cổ thì phải ứng xử khác lòng đường lớn như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt...; phải tính để cho dân kinh doanh, có thể vào buổi tối, vào cuối tuần...

Tới đây, cùng với tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương, tôi đề nghị phải xây dựng đề án riêng đi sâu vào thiết kế đô thị, cụ thể từng khu vực. Công khai, minh bạch, để nhân dân kiểm tra, giám sát, thụ hưởng và thống nhất thực hiện. Trên cơ sở đó, làm từng khu vực, từ từ từng bước, làm đến đâu chặt chẽ, chắc chắn đến đấy", ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ đạo, đến nay, 3 đơn vị đã tiến hành làm điểm, triển khai thi tuyển 7 chức danh (Ban Tổ chức Thành ủy thi tuyển 5 chức danh; Thành đoàn Hà Nội thi tuyển 1 chức danh; Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thi tuyển 1 chức danh). 

Đối với khối các cơ quan nhà nước, UBND thành phố đã phê duyệt danh sách các chức danh cấp trưởng cấp phòng tại các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm thi tuyển với 76 chức danh tại 46 cơ quan, đơn vị. Đến nay, 67/76 chức danh đã được thi tuyển (đạt tỉ lệ 88%), trong đó, có 65 chức danh có người trúng tuyển (tỉ lệ 97%), 2 chức danh không có người trúng tuyển (tỉ lệ 3%).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm