Bí thư Đinh Tiến Dũng trăn trở vì "người ta nói Hà Nội không vội được đâu"
(Dân trí) - Theo Bí thư Hà Nội, sau hơn 1 năm "họp lên họp xuống", thành phố mới thống kê được có tổng số 1.900 thủ tục hành chính. "Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi trăn trở câu này" - Bí thư nói.
Sáng 12/10, tại trụ sở UBND xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP), dù Thủ đô phát triển rất mạnh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề rất bất cập, trong đó có ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cháy nổ… Việc phát triển Thủ đô theo hướng "hướng tâm" đã thu hút dân cư vào nội đô, gây áp lực về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội… Tiếp đó, ông dẫn chứng về việc dù vừa khánh thành hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra.
"Trường học cũng thiếu, bệnh viện cũng thiếu... Nếu chúng ta không mở rộng đường vành đai, phát triển Thủ đô thì những vấn đề về hạ tầng xã hội, vấn đề về ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết" - ông Dũng bày tỏ.
Với nhận thức nêu trên, Bí thư Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, thành phố đã tập trung báo cáo để triển khai tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 87 nghìn tỷ động, đi qua địa bàn 3 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
"3 tỉnh thành thống nhất cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án này. Theo cam kết, tiến độ đặt ra thì tháng 6/2023 cơ bản giải phóng, bàn giao 70% mặt bằng và cơ bản bàn giao xong vào cuối năm 2023" - Bí thư Hà Nội cho hay.
Đề cập về những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, ảnh hưởng của dịch bệnh trong 9 tháng đầu năm 2020, Bí thư Hà Nội cho biết điều này gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết 128/NĐ-CP nên vẫn đạt được nhiều kết quả rất nổi bật.
Đề cập đến công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, theo Bí thư Hà Nội, đây là vấn đề rất khó. Hiện toàn thành phố có 1.779 chung cư cũ nhưng mới cải tạo sửa chữa được hơn chục chung cư. Sau khi nhìn nhận việc ở chung cư cũ vô cùng nguy hiểm khi xảy ra dịch bệnh, cháy nổ, thành phố đã báo cáo Chính phủ để sửa nghị định cải tạo chung cư cũ.
"Tinh thần chung là cải tạo chung cư cũ theo từng khu thay vì làm theo từng tòa như trước kia. Và phải làm sao từng bước nâng cao đời sống, đảm bảo an toàn cho nhân dân" - ông Dũng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, nói về cải cách thủ tục hành chính, theo Bí thư Hà Nội, sau hơn một năm chỉ đạo rất quyết liệt thì vừa rồi, thành phố mới làm được, mới thống kê ra toàn thành phố có khoảng 1.900 thủ tục hành chính.
"Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi trăn trở câu này. Nghĩa đen cũng có, nghĩa bóng cũng có. Và vừa rồi mới thống kê ra, hơn một năm trời họp lên họp xuống" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nói và cho biết, trong khoảng 1.900 thủ tục hành chính, bước đầu, thành phố đã phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính.