Bí mật chuyện ông Ban Ki-moon về thắp hương nhà thờ họ Phan Huy

Sau hơn 5 tháng về Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) để dâng hương lên nhà thờ dòng họ Phan Huy, chuyến thăm của ông Ban Ki-moon mới được loan tin. Vì sao thông tin được giữ bí mật?


Ông Ban Ki-moon và vợ xem những cuốn sách liên quan đến dòng họ Phan Huy tại nhà thờ. Ảnh gia đình cung cấp

Ông Ban Ki-moon và vợ xem những cuốn sách liên quan đến dòng họ Phan Huy tại nhà thờ. Ảnh gia đình cung cấp

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phan Huy Thanh, Trưởng chi 2, dòng họ Phan Huy hiện đang ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn cho biết: Việc ông Ban Ki-moon và vợ về thắp hương nhà thờ ở thôn Thụy Khuê, ông chỉ biết trước đó ít ngày.

“Tuy nhiên, thông tin cũng rất mù mờ và chỉ biết là có đoàn công tác của Liên Hiệp Quốc. Trước thời điểm đón ông Ban Ki-moon 3 ngày, Công an có về gặp ông để lên phương án đảm bảo an ninh cho đoàn. Sau đó, tôi hỏi phải đón tiếp như thế nào thì được báo là không phải chuẩn bị gì cả”, ông Thanh nói thêm.

Theo ông Thanh, ông Ban Ki-moon đến nơi vào khoảng 4 giờ chiều, sau 45 phút dâng hương, viết lưu bút và hỏi thăm mọi người thì ông và vợ rời khỏi thôn Thụy Khuê.

“Mặc dù đã 70 tuổi nhưng phong thái ông ấy nhanh nhẹn. Thái độ của ông ấy cùng phu nhân rất từ tốn, lịch thiệp và ân cần hỏi han tình hình thông qua phiên dịch. Ông ấy cũng nói hai từ “Cảm ơn” bằng tiếng Việt”.


Hình ảnh ông Ban Ki-moon ghi lưu bút tại nhà thờ dòng họ Phan Huy. Ảnh GĐCC

Hình ảnh ông Ban Ki-moon ghi lưu bút tại nhà thờ dòng họ Phan Huy. Ảnh GĐCC

Ông Thanh cũng khẳng định, thực hư chuyện ông Ban Ki-moon có phải là con cháu của dòng họ Phan Huy ở Việt Nam hay không thì đến nay ông cũng chỉ nghe qua các giai thoại. “Nếu nói ông Ban Ki-moon về đây để nhận tổ tiên thì chưa có cơ sở và e là hơi sớm”, ông Thanh nói.

Kể lại khoảng thời gian 45 phút mà ông Ban Ki-moon về đây, ông Thanh cho biết: Thông qua phiên dịch, ông Ban Ki-moon chào mọi người và hỏi thăm tình hình khá chu đáo. Sau đó, đại diện dòng họ, ông Phan Huy Giám có mời ông ấy thắp hương lên bàn thờ họ.

“Thắp hương xong, ông ngồi vào bàn viết sổ lưu bút mà bút tích đó hiện tôi đang lưu giữ. Theo đề nghị, ông và vợ rất vui vẻ khi chụp ảnh lưu niệm cùng với chúng tôi”, ông Thanh kể.


Hình ảnh thân thiện của ông Ban Ki-moon trong chuyến về dâng hương ở thôn Thụy Khuê. Ảnh GĐCC

Hình ảnh thân thiện của ông Ban Ki-moon trong chuyến về dâng hương ở thôn Thụy Khuê. Ảnh GĐCC

Liên quan đến việc ông Ban Ki-moon về dâng hương ở nhà thờ dòng họ Phan Huy nhưng đến nay mới được biết, ông Thanh nói rằng, trước đó ông cũng khá ngạc nhiên vì ông Ban Ki-moon về mà không có quan chức cao cấp của Việt Nam tháp tùng.

“Tuy nhiên, theo thông tin mà tôi biết được, do đây là chuyến đi của cá nhân nên ông ấy yêu cầu được giữ bí mật và không có cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin. Chủ yếu đoàn tháp tùng là an ninh, phiên dịch và một vài người thân thiết”, ông Thanh nói.


Ông Phan Huy Thanh đang chỉ cho PV Báo GĐ&XH gia phả dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh Cao Tuân

Ông Phan Huy Thanh đang chỉ cho PV Báo GĐ&XH gia phả dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh Cao Tuân

Ông Ban Ki-moon sinh ngày 13/6/1944, tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), chuyên ngành quan hệ quốc tế, sau đó ông có bằng thạc sĩ về quản trị công tại Trường đại học Harvard (Mỹ). Ông Ban Ki-moon có vợ và 3 con. Ngoài tiếng Hàn Quốc, ông nói tiếng Anh và Pháp.

Ông trở thành Tổng thư ký Liên hợp quốc từ 1-1-2007. Trước đó, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc.

Ông đã có nhiều nỗ lực và đóng góp trong việc thúc đẩy vai trò của Liên Hiệp Quốc trên cả ba trụ cột là hòa bình-an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.

Trước khi về thôn Thụy Khuê dâng hương, ông Ban Ki-moon có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến 23/5 theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Ban Ki-moon kể từ khi nhậm chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 2007.

Năm 2010, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã đến Hà Nội tham dự Hội nghị Cấp cao Liên Hiệp Quốc - ASEAN.

Theo P.Bình – C.Tuân

Gia đình & Xã hội