1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bi kịch một gia đình mù câm điếc

Chẳng hiểu sao, ba thế hệ nhà ông Dương Văn Oa ở thôn Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội như thể bị “giời hành”. Có đến mười mấy người trong gia đình ấy bị mù - câm - điếc mà không hiểu lý do vì đâu.

Số người tàn tật trong gia đình họ có lẽ là kỷ lục và nỗi khốn khó mưu sinh của họ cũng là kỷ lục.

Cái gene ác nghiệt

Nằm ở cuối thôn Thanh Trí, sát cánh đồng là căn nhà cấp 4 lụp sụp của gia đình ông Dương Văn Oa. Con cái của ông đều đã có gia đình riêng, sống quẩn quanh ở đó và bố mẹ, con cái, cháu chắt đều tàn tật.

Trong ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng cách đây mấy năm, bà Thang đưa tay sờ lần tìm ấm nước mời khách. Bà kể: “Lúc trẻ mắt tôi vẫn sáng, nhưng từ khi lấy chồng và chuyển về đây sống thì không hiểu sao mắt cứ mờ dần. Tôi chẳng có tiền nên cứ để thế, được hơn năm thì mù hẳn, chẳng còn thấy gì nữa”. Ông trời sao cũng “khéo” ghép đôi, bà Thang bị mù còn ông Oa - chồng bà - thì bị điếc. Ban đầu ông Oa cũng bình thường nhưng từ khi lấy vợ, tai ông ù dần và giờ thì điếc đặc. Ông Oa lại bị thêm chứng động kinh, thỉnh thoảng lăn đùng ngã ngửa co giật dưới nền nhà.

Chị Sáng (ngoài cùng, bên trái) cùng gia đình tàn tật của
mình

Chị Sáng (ngoài cùng, bên trái) cùng gia đình tàn tật của mình

Điều đau đớn nhất của đôi vợ chồng già tàn tật này là những thế hệ con cháu của họ hình như cũng mang gene di truyền của họ hay sao mà cũng tàn tật theo, để nỗi đau cứ nối dài mãi.

Bà Thang sinh đứa con gái đầu đẹp đẽ và lành lặn. Ông bà vui mừng khôn tả. Bà mù lòa nên liền đặt tên cho con là Dương Thị Sáng những mong cuộc đời con mình sẽ tràn ngập ánh sáng. Thế mà, mắt của Sáng cứ nhắm tít, không tài nào mở được ra. Khi đi chữa trị thì được chẩn đoán là Sáng bị mù bẩm sinh!

Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, người con gái thứ hai ra đời. Ông Oa đặt tên con là Dương Thị Ánh những mong con sẽ thoát kiếp mù lòa. Ước nguyện của ông Oa thành hiện thực vì mắt Ánh hoàn toàn bình thường. Nhưng tạo hóa trớ trêu, anh không mù nhưng lại điếc đặc, cũng được chẩn đoán điếc bẩm sinh.

Nghịch cảnh của gia đình ông Oa càng bi đát hơn khi người con trai “nối dõi tông đường” của ông ra đời. Anh Thiều còn khổ sở gấp đôi các chị của mình. Anh vừa bị câm, vừa bị điếc bẩm sinh.

Sau anh Thiều, hai người con Dương Thị Mến, Dương Văn Út sinh ra bình thường thì đến người con út, Dương Văn Chút lại bị câm điếc bẩm sinh. Nhưng, bi kịch của gia đình ông Oa, bà Thang chưa dừng lại ở đó khi những đứa cháu, thế hệ thứ ba được sinh ra cũng gặp phải những căn bệnh mà cha ông đã mắc phải.

“Tận khổ bất cam lai”

Trong nỗi chán nản phận mình, chị Sáng mở đầu câu chuyện về hoàn cảnh của mình bằng những chuỗi ngày ám ảnh bởi căn bệnh của đại gia đình. Lớn lên, khó khăn lắm chị mới kiếm được tấm chồng, nhưng anh cũng là người tàn tật, không làm được việc gì. Cả gia đình đều một mình người đàn bà mù ấy quán xuyến. Còn chị Ánh bị câm điếc, tính khí thì thất thường nên không sao lấy được chồng. “Giờ nó ở với mẹ trong căn nhà tình nghĩa, mỗi tháng được chính quyền hỗ trợ ít tiền. Mẹ con bám víu nhau mà sống”, chị Sáng nói hộ em.

Ngồi gần đó, anh Thiều ú ở chỉ tay vào vợ là chị Cao Thị Hậu đang cho đứa con bú ở trên giường. Chị Hậu quê ở Vĩnh Phúc cũng vì quá lứa lỡ thì mà lấy anh Thiều. 14 năm lấy chồng, ngày vui của chị Hậu được đếm bằng đầu ngón tay. Hai đứa con đầu sinh ra mắc căn bệnh câm, điếc bẩm sinh như bố. Còn đứa thứ ba, chị ôm vào lòng, nước mắt ngắn dài: “Cầu mong nó đừng bị bệnh tật gì”.

Bà Thang (giữa) mù lòa trong căn nhà lụp sụp

Bà Thang (giữa) mù lòa trong căn nhà lụp sụp

“Khổ quá chú ơi. Chồng tôi bệnh tật như thế mà trời cũng không tha. Cách đây hơn 1 năm, trong lần về bên ngoại, không hiểu anh ấy đi xe kiểu gì mà đâm vào gốc cây, bị chấn thương sọ não. Trong nhà quý giá nhất là con bê cũng bán thốc, bán tháo đi để có tiền cho anh ấy điều trị. Từ viện này, sang viện nọ hết hơn 90 triệu. Không có tiền nằm viện, về nhà sớm quá lại bị nhiễm trùng. Quay lên bệnh viện lại thêm 30 triệu nữa. Giờ cái nợ vẫn còn hơn 100 triệu mà nhìn trước, nhìn sau không có gì để trả”, chị Hậu thở dài thườn thượt.

Trước khi bị tai nạn, mặc dù bị câm điếc nhưng anh Thiều còn tự chăm sóc được mình và các con. Những ngày mùa đồng áng, anh còn giúp vợ được chuyện cày cấy. Nhưng sau tai nạn, anh gần như bị liệt nửa người. Anh cứ nằm một chỗ và không thể tự vệ sinh cá nhân được, tất cả phải nhờ vợ giúp. Cuộc sống của chị Hậu cứ quanh quẩn lo ăn uống cho chồng và hai đứa con bị câm điếc.

Hai đứa con tàn tật của chị Hậu đi học bị trả về vì cô giáo bảo các cháu không tiếp thu được kiến thức. Chị cũng gắng đưa con đi học trường khuyết tật trên thị trấn Sóc Sơn. Nhưng vì không có thời gian sáng đi, tối về nên mấy năm nay, hai đứa chỉ quanh quẩn ở nhà. Các cháu đến nay vẫn chưa biết chữ. Chị chỉ mong chính quyền xem xét, cho hưởng bảo hiểm y tế, những lúc chồng con ốm đau, bệnh tật đỡ mất tiền viện phí. Bây giờ, mỗi lần tái khám cho anh Thiều, chị lại phải vay mượn anh em, hàng xóm. Chị Hậu bảo, khoản nợ hơn 100 triệu cũng may mọi người thấu hiểu hoàn cảnh nên không ép buộc trả. Cả gia đình sống trông chờ vào mấy sào ruộng, nhưng có lẽ cũng phải bán để trả nợ chứ giờ mỗi tháng 2, 3 triệu tiền lãi cũng không kham nổi nữa.

Người con út của ông Oa, anh Dương Văn Chút cũng bị câm điếc. Nhìn anh Chút cao to và rất sáng sủa, nhưng vì bệnh tật nên anh đành lập gia đình với một người vợ hơn mình đến chục tuổi và đã qua một đời chồng. Anh sinh được đứa con đầu lòng và cũng bị câm điếc như bố. Giờ cả gia đình anh cũng cũng không có chế độ gì, sống nhờ chủ yếu vào mấy sào ruộng. Anh Chút trước đi làm phụ hồ nhưng công việc bấp bênh nên thỉnh thoảng phải đi mò cua, bắt ốc kiếm đồng ra, đồng vào.

Hết kể khổ lại đến kể khó. Chị Sáng bảo, mấy năm qua bị căn bệnh sỏi thận hành hạ. Có lần suýt chết vì không đi cấp cứu kịp. Lên viện, sau khi khám xét thì ra đủ thứ bệnh. Nằm viện được mấy ngày, chị mang cục nợ hơn 20 triệu đồng. Sau 2, 3 năm, nợ ấy vẫn còn nguyên, chưa trả được đồng nào. “Nhiều lần làm đơn xin bảo hiểm y tế nhưng mà chẳng hiểu sao, ông trưởng thôn cứ nhất định bảo, chị Sáng thu nhập hơn 500 nghìn một tháng thì không được làm bảo hiểm. Bị mù một mắt, bị bệnh đủ đường, gần đây lại bị căn bệnh động kinh hành hạ, có lúc chị Sáng bị co giật ngã ngửa ra ruộng.

Những chứng bệnh mà gia đình nhà ông Oa mắc phải mấy chục năm qua cứ dần dần tăng lên nặng hơn. Trước chỉ có người mù hoặc điếc, về sau lại có cả câm và điếc. Nếu tính về kỷ lục tàn tật, có lẽ gia đình ông giữ kỷ lục về số người tàn tật trong gia đình. Ba thế hệ bị tàn tật và những thế hệ tiếp theo không biết có tiếp diễn nỗi đau này nữa không. Chị Sáng phấp phỏng: “Đời chúng tôi đã khổ quá rồi, biết thế này chẳng sinh con làm gì để cho chúng khổ. Phận chúng tôi sao buồn quá chú ơi”.

Theo Hải Hậu
Năng lượng mới