(Dân trí) - Làng Gành Cả nằm bên bờ biển Quảng Ngãi. Nơi đây được gọi là làng cổ vật, bởi hơn nửa dân số sở hữu đồ cổ. Cư dân làng biển này lưu giữ nhiều hiện vật gốm, sứ mà giới sưu tầm đồ cổ mong muốn có được.
Hàng trăm năm trước, mỗi mùa bão, bờ biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại dày đặc mảnh gốm sứ vỡ. Người làng biển đoán rằng, đây là hiện vật tế lễ của cư dân vùng đất khác. Vì thế, họ căn dặn con cháu tuyệt đối không sử dụng.
Câu chuyện về đồ tế lễ dạt vào bờ biển cứ thế truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến khi những xác tàu cổ dần phát lộ tại vùng biển này, mọi đồn đoán chấm dứt. Cả vùng biển Bình Châu rầm rì câu chuyện về những thương thuyền chứa đầy cổ vật còn nằm sâu trong lòng biển.
Làng Gành Cả, xã Bình Châu có hơn 300 nóc nhà. Ngư dân nơi đây nổi tiếng với nghề lặn biển. Những kình ngư ở Gành Cả đã đặt chân đến hầu hết các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Ngoài lặn biển, Gành Cả còn được biết đến là ngôi làng cổ vật. Hơn một nửa hộ gia đình ở đây sở hữu đồ cổ. Ngoài biển cả, cổ vật như là niềm đam mê thứ hai của họ.
Ngư dân Trương Tràng, 45 tuổi, rời thuyền về nhà sau một ngày lặn bắt tôm hùm. Ít ai nghĩ, người đàn ông trung niên có vẻ ngoài khắc khổ, đen sạm này lại sở hữu bộ sưu tập hơn 100 cổ vật.
Anh Tràng bắt đầu câu chuyện với những mảnh gốm vỡ bên bờ biển. Mảnh gốm vỡ xen lẫn trong cát chính là khởi đầu cho niềm đam mê cổ vật của người đàn ông này.
"Ngư dân lặn biển, hoặc thả lưới thường vớt được mảnh gốm sứ, các lọ đất nung, ván gỗ tàu thuyền cháy sém. Đó là lúc người dân bắt đầu hiểu rằng ngoài khơi Bình Châu có nhiều con tàu cổ đắm", anh Tràng nói.
Khi những suy đoán từ đời cha ông dần được làm rõ, người dân Gành Cả bắt đầu nhặt nhạnh một số ít hiện vật còn lành lặn dạt vào bờ sau mỗi mùa bão. Riêng anh Tràng cảm thấy hứng thú với những mảnh gốm vỡ. Trở về sau mỗi chuyến biển, đặt chân lên bãi cát lạo xạo, anh cảm nhận sức hút kỳ lạ từ những hoa văn cổ.
Những ngày thủy triều xuống, anh Tràng ra biển nhặt mảnh gốm trang trí cho chậu cây cảnh. Dần dần, anh tìm hiểu thêm về ý nghĩa của các hoa văn. Cứ thế niềm đam mê cổ vật ngày một lớn trong anh.
Ở Bình Châu hầu như nhà nào cũng nhặt được vài đồ gốm sứ, phần lớn không mấy giá trị. Anh Tràng xin những đồ gốm về trưng bày, tủ cổ vật trong nhà anh dần hình thành.
Cẩn thận mở tủ trưng bày, anh Tràng cho biết ngoài giá trị văn hóa, tủ cổ vật còn mang giá trị tâm linh. Vì vậy, người dân làng biển này ít khi mở tủ cho người lạ xem.
Cầm trên tay những lọ, chum, tráp đựng phấn được chạm khắc tinh xảo, anh Tràng nói những hiện vật này có xuất xứ từ những xác tàu ngoài biển Bình Châu. Trong tủ cổ vật của mình, anh Tràng thích nhất chiếc đĩa có đường kính 33cm, tráng men xanh. Đây là gốm Chu Ðậu, khoảng thế kỷ XV-XVI.
"Hồi đó mới tìm hiểu về đồ cổ, không hiểu sao thấy cái đĩa này thích quá. Hôm gặp chủ nhân của nó trên biển, thế là tôi lân la tìm cách trao đổi. May quá, người này chịu đổi cái đĩa lấy một dàn lưới", anh Tràng nói.
Anh Tràng lý giải, cư dân làng biển không mua bán cổ vật. Họ chỉ hỗ trợ thú chơi của nhau bằng cách trao đổi. Những người có sở thích sưu tầm sẽ đổi cổ vật lấy cổ vật, những người khác đổi lấy ngư lưới cụ, dầu máy.
Chỉ vào một tô men xanh trắng có niên đại thế kỷ XVII, bên trong có họa tiết cá chép hóa rồng, anh Tràng cho biết, đĩa này được đổi bằng 4 canh dầu máy. Số dầu này có giá khoảng 4 triệu đồng.
Người Gành Cả chỉ nói về ý nghĩa của cổ vật, hầu như không thích nói về giá trị quy đổi ra tiền. Tuy nhiên, ở làng biển này không ít người sở hữu cổ vật quý có giá hàng trăm triệu đồng.
Người Gành Cả đam mê cổ vật, thích tìm hiểu về kỹ thuật làm gốm sứ, các loại men, ý nghĩa các hoa văn. Mỗi họa tiết, hoa văn đều ẩn chứa một câu chuyện, một điển tích, đó mới là điều thu hút nhất. Nhờ niềm đam mê đó, nhiều ngư dân đã trở thành hội viên Hội Di sản văn hóa tỉnh Quảng Ngãi.
Anh Nguyễn Văn Vương, 44 tuổi, một kình ngư lặn biển ở Hoàng Sa, Trường Sa. Trở về sau mỗi chuyến biển, anh dành cả ngày mân mê tủ trưng bày cổ vật của mình. Những hiện vật này anh Vương nhặt được ở vùng biển Bình Châu. Một số khác được trao đổi với những người có cùng đam mê.
Theo Luật Di sản, người dân được bảo quản, giữ gìn, sưu tầm cổ vật, tuyệt đối không được bán ra nước ngoài. Người Gành Cả hiểu được giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học của cổ vật nên cùng nhau giữ gìn. Vì thế, nhiều đại gia từ các nơi đổ về làng biển này săn lùng cổ vật nhưng phải về tay không.
Theo anh Vương, trải qua hàng trăm năm, bão biển làm phát lộ nhiều xác tàu cổ ở vùng biển Quảng Ngãi, đặc biệt là tại Bình Châu. Những ngư dân Gành Cả hầu như biết rõ vị trí các xác tàu cổ.
Từ năm 1998, dấu hiệu xác tàu cổ đầu tiên lộ diện khi ngư dân phát hiện nhiều đồ gốm sứ cổ, mảnh ván tàu. Kể từ đó, liên tiếp những xác tàu cổ được phát hiện ngoài khơi Bình Châu, có vị trí chỉ cách bờ vài trăm mét.
"Nơi đây nổi tiếng là "làng cổ vật" bởi nhà nào cũng có bình, lọ, chén, bát được làm bằng gốm sứ với nhiều niên đại khác nhau. Những nơi có tàu cổ đắm trên biển, ngư dân địa phương đều biết rõ", anh Vương nói.
Tại Bình Châu, mật độ xác tàu cổ được phát hiện dày đặc. Các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện 11 xác tàu cổ, trong đó đã khai quật 2 xác tàu vào năm 1999 và 2013. Kết quả khảo sát vùng biển rộng 23km2 ở Bình Châu còn xác định 20 địa điểm nghi vấn có xác tàu cổ.
Tính đến thời điểm này, tại vùng biển Quảng Ngãi có 3 xác tàu cổ được khai quật, trong đó có 2 xác tàu ở vùng biển Bình Châu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chỉ có xác tàu được khai quật vào năm 2013 là còn nguyên vẹn, mang đến tư liệu quý cho ngành khảo cổ Việt Nam.
Xác tàu này nằm cách bờ khoảng 150m, ở độ sâu khoảng 4m. Các chuyên gia khảo cổ đã thu được khoảng 5.000 hiện vật trên tàu, trong số này có nhiều hiện vật độc bản quý giá. Đây là tư liệu quý cho ngành khảo cổ dưới nước của Việt Nam.
Các chuyên gia khảo cổ nhận định, vùng biển Bình Châu từng có một thương cảng sầm uất. Tàu thuyền vào Bình Châu trao đổi hàng hóa rồi bị cháy, hoặc bị bão đánh chìm. Do đó, khu vực này dày đặc xác tàu cổ đắm.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, vùng biển Bình Châu có nhiều giá trị đặc biệt về văn hóa, địa chất, khảo cổ.
Tại khu vực được gọi là "nghĩa địa tàu cổ" này còn có làng cổ vật. Nơi đây, các hộ gia đình lưu giữ nhiều cổ vật rất giá trị. Cổ vật gắn liền với đời sống cư dân Gành Cả nên được người dân bảo vệ, trưng bày ở những nơi trang trọng.
Để phát huy hơn nữa giá trị cổ vật Bình Châu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Chi hội Di sản Bình Sơn xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng làng cổ vật ở Bình Châu.
"Đây là đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được. Vì vậy chúng tôi chọn đây là điểm đến để du khách tham quan, nghiên cứu về cổ vật", ông Dũng cho biết.