1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Bệnh viện hoang mang, dân “tẩy chay” vắc xin

Như một hiệu ứng domino, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã cho dừng tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ mới sinh. Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, khi chưa xác minh được nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai hài nhi tại Trung tâm Y tế thị xã Hà Tĩnh, thì không thể ép các bậc cha mẹ phải tiêm vắc xin cho con mình.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, tâm lý hoang mang bao trùm Khoa Sản, Khoa Nhi, thậm chí cả những khoa không liên quan đến vắc xin như Khoa Nội.

 

Tại Khoa Sản, chị Nguyễn Thị Vân, một sản phụ vừa sinh con tối 24/4, cho hay: “Tôi nghe người ta nói đến giờ vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến tử vong của hai đứa trẻ nên tôi nhất định sẽ không cho bất cứ ai tiêm phòng cho con tôi, cho đến khi họ tìm ra nguyên nhân và công bố rõ ràng cho mọi người biết”.

 

Hiện tại, vỏ lọ vắc xin Hepavac Gene đã dùng để tiêm cho hai hài nhi bị tử vong đang được hai gia đình giữ để làm bằng chứng. Họ đang chờ Thanh tra Bộ Y tế hoặc công an tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc để cung cấp bằng chứng này. Tuy nhiên, đến chiều ngày 25/4, hai cơ quan trên vẫn chưa trực tiếp điều tra vụ việc này.

 

Y sỹ Nguyễn Thị Hải Yến, người trực tiếp tiêm phòng mũi 0 cho hai cháu, đã được gia đình di chuyển đến nơi ở bí mật do lo ngại bị trả thù. Hiện Yến đã có thai đến tháng thứ 7.

 

Sản phụ Nguyễn Thị Phượng (phường Tân Giang, TX Hà Tĩnh), sinh con gái lúc 6h30 sáng qua cũng lo lắng không kém: “Nếu tiêm thì sợ, mà không tiêm cũng sợ. Tôi chẳng biết phải làm thế nào bây giờ. Quyền lợi của cháu là phải được tiêm vắc xin để phòng bệnh, nếu không tiêm, sau này có mệnh hệ gì thì biết làm thế nào?”.

 

Một bác sĩ tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi có thông báo việc dừng tiêm phòng mũi 0 (mũi viêm gan B), chờ ý kiến chỉ đạo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào khẳng định vẫn tiếp tục tiêm phòng. Thời điểm này, chẳng ai dại gì mà nhắm mắt tiêm cho trẻ. Các bà mẹ thì không nói làm gì, nhưng chúng tôi là bác sĩ cũng chẳng dám”.

 

Tại Bệnh viện Kỳ Anh, tâm trạng chung của các bà mẹ và đội ngũ y bác sĩ cũng tương tự. Từ ngày 23/4 đến nay, đã có 5 ca đẻ ở Khoa Sản, nhưng không một cháu bé nào được tiêm mũi 0 vì cả người nhà hài nhi và bác sĩ đều không dám liều. Trưởng Khoa Sản, bác sĩ Chiến nói rằng, nếu bây giờ có văn bản cho tiêm phòng, chưa chắc người dân đã dám để y bác sĩ đụng kim tiêm vào cơ thể con của họ.

 

Về nguyên nhân gây 2 ca tử vong trẻ sơ sinh, BS.Nguyễn Đình Nhiêm, Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh nói: “Về nguyên tắc, bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây tử vong do tác dụng phụ. Tại đây cũng đã có trường hợp tử vong ngay sau khi tiêm có một lọ thuốc bổ loại B1. Nhưng những trường hợp do phản ứng phụ như thế không nhiều, hàng triệu ca mới có một trường hợp tử vong”.

 

Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Tĩnh nói: “Chúng tôi đã làm công văn báo cáo từ chiều 24/4, chiều nay (25/4 - PV), đoàn công tác của Viện Dịch tễ Trung ương làm việc cụ thể với từng bên để tìm ra nguyên nhân. Vụ việc này lần đầu tiên xảy ra ở Hà Tĩnh, và theo tôi biết, có lẽ là lần đầu tiên trong cả nước, nên cần có sự thận trọng trong xử trí và xét đoán nguyên nhân. Hiện tại, chưa thể nói gì thêm được”. 

 

Bên thềm cuộc họp với các ngành chức năng Hà Tĩnh, Phó GS Phạm Ngọc Đính, phó Viện trưởng Viện Dịch tễ Trung ương cho hay: “Chúng tôi được sự ủy quyền của Bộ Y tế về đây để điều tra, tìm hiểu nguyên nhân gây tử vong cho hai đứa trẻ. Hiện tại, tôi cũng chưa thể nói gì thêm, vì để tìm đúng nguyên nhân một sự cố trong ngành y tế, đặc biệt liên quan đến các loại vắc xin, cần một khoảng thời gian tương đối dài, có khi lên đến 4-5 tháng. Sau cuộc họp này, tôi sẽ trực tiếp xuống Trung tâm Y tế thị xã để nắm thêm tình hình, mong có thêm thông tin”.

 

“Riêng tại Hà Tĩnh, chúng tôi đã đồng ý với Sở Y tế tỉnh, cho phép không dùng số vắc xin cùng lô với lọ Hepavac Gene đã dùng để tiêm phòng cho trẻ mới sinh trên toàn tỉnh. Toàn quốc vẫn áp dụng việc tiêm phòng bình thường. Về phương án làm thế nào để bảo đảm chương trình tiêm chủng toàn cầu tại Hà Tĩnh, quả thật là chúng tôi cũng đang cân nhắc” - ông Đính nói thêm.

 

Một cán bộ của Bộ Y tế khẳng định: “Nguyên nhân chưa được làm rõ, tuy nhiên, có thể có 3 khả năng: nhầm thuốc hoặc lỗi do vắc-xin. Nếu nhầm thuốc, Trung tâm Y tế Hà Tĩnh, mà trực tiếp là y sĩ Yến phải chịu trách nhiệm; nếu do lỗi vắc-xin, Bộ Y tế là cơ quan phải chịu trách nhiệm”.

 

Theo Chi Mai 

Vietnamnet