Bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX
(Dân trí) - Chiều ngày 25/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc thành công tốt đẹp. Đại hội đặt nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 với chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”.
Sau 3 ngày tích cực làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu một lần đủ 53 người vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu theo quy định (tái cử 39 người, tham gia lần đầu 14 người; tỷ lệ cán bộ nữ trên 11%, cán bộ trẻ trên 10%).
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã bầu một lần đủ 15 người vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025 (5 người tham gia lần đầu, 1 cán bộ nữ).
Ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX tái cử Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Lê Quốc Chỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 tái cử Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 10 người. Ông Nguyễn Mạnh Hiền, tái cử Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu 22 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh: Với tinh thần tích cực, khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm đưa Nam Định phát triển để đạt được mục tiêu “Đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, giai đoạn 2020-2025; trong đó xác định: Phấn đấu đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Ở nhiệm kỳ 2020-2025, Nam Định đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết liệt cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển vùng kinh tế biển; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai; củng cố vững chắc quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị.
Đại hội cũng đề ra 3 khâu đột phá về xây dựng và điều chỉnh các loại quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển và khôi phục, phát triển thành phố Nam Định.
Trong các khâu đột phá, tỉnh Nam Định đặt ra mục tiêu "Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục và phát triển thành phố Nam Định là một trong ba thành phố lớn của Miền Bắc thời kỳ Pháp thuộc và là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 6 chức năng trung tâm vùng: Công nghiệp; Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ; Y tế; Văn hóa, du lịch; Thể thao theo quy hoạch địa giới hành chính thành phố mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".
Căn cứ định hướng nhiệm kỳ, tỉnh Nam Định đặt ra 12 chỉ tiêu phấn đấu cụ thể gồm GRDP (giá so sánh năm 2020) tăng bình quân 8,5-9,5%/năm; thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2025 đạt hơn 100 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn năm 2025 đạt hơn 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 80%; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội đến năm 2025 giảm xuống còn dưới 0,15% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025); tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó tỷ lệ được cung cấp nước sạch đạt trên 98% dân số)...