1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bẫy chim bằng thuốc độc, hậu hoạ khôn lường

Chim được bẫy bằng thức ăn có tẩm hỗn hợp bột trắng trộn vớt thuốc diệt chuột Trung Quốc. Có con ăn xong chết ngay tại chỗ, có con cất cánh được vài mét thì bổ nhào xuống nước.

Dọc tuyến đường 1A từ Huế đi Đà Nẵng mùa này bày bán rất nhiều thịt chim, mà không ít trong số đó được bẫy bằng thức ăn tẩm độc.

 

Cứ vào mùa nước nổi, các loài chim di cư bay về các cánh đồng ở Thừa Thiên Huế kiếm ăn rất nhiều. Người dân sống ven các cánh đồng cũng từ đó có nghề bẫy chim. Gia đình ông Nguyễn Văn Xiển đã 4 đời chuyên bẫy chim bằng cách đặt chim gỗ trên các khoảng đồng khác nhau. Ngày nhiều nhất, ông cũng được 4-5 con, nhưng khi có, khi không. Kiểu bẫy chim truyền thống như gia đình ông Xiển chỉ mang lại thú vui chứ không mang lại hiệu quả kinh tế, nên hiện nay không còn phù hợp. Nhiều người chuyển sang bẫy chim bằng thức ăn tẩm thuốc độc.

 

Ông Dương Văn Ba, sống ở làng Chánh Đông - xã Thủy Châu - huyện Hương Thủy cho biết: “Bẫy chim bằng thuốc vừa nhanh, vừa khỏe mà còn bẫy được nhiều. Tui chuyển sang bẫy chim bằng thuốc tới mùa lụt ni là đã mùa thứ 3 rồi. Khỏe hơn ngày trước gánh chim gỗ nhiều”.

 

Thuốc như ông Dương Văn Ba nói là một loại bột màu trắng, trộn với ít thuốc diệt chuột Trung Quốc mà những người bán dạo ở các tỉnh phía Bắc hay vào Huế bán. Không rõ đó là thuốc gì, chỉ thấy có mùi như bột sắn rang cháy. Từ hai loại đó, người ta làm mồi chim bằng cách tẩm vào các loại cá như cá mại, cá diếc con... để qua một buổi, rồi đặt trên các cọc đóng ngoài cánh đồng.

 

Khi đã ăn vào, tùy con chim to nhỏ, tùy sức vóc mỗi con mà thuốc độc ngấm nhanh hay lâu. Có con vừa ăn xong liền ngã lăn quay tại chỗ. Có con đến khi cất cánh bay lên khoảng 2 mét thì cụp cánh bổ nhào xuống nước.

 

Cứ buổi sáng đi đặt mồi thì buổi trưa hoặc đầu buổi chiều đi nhặt chim. Một ngày bẫy chim bằng mồi tẩm thuốc độc có thể thu được 10 - 15 con đủ loại. Những con chim chết do thuốc được vặt lông làm thịt ngay tại chỗ. Những con ngấm thuốc nhưng chưa chết thì đem làm cảnh ở chỗ bán thịt chim.

 

Anh Nguyễn Văn Lương, ở thôn Lợi Nông - xã Thủy Châu - huyện Hương Thủy, một người có nhiều kinh nghiệm về bẫy chim bằng thuốc độc, cho biết: “Những con chết thì làm liền cho khỏi thâm tím thịt của nó. Còn con sống thì mang ra làm cảnh thì người ta mới tin. Hơn nữa, nhiều người muốn tự tay làm chim nên họ mua chim còn sống thôi”.

 

Nếu không bán ở dọc đường thì người ta lại mang về các chợ quanh đó để bán. Chợ Thủy Dương, chợ Thần Phù, chợ Hôm, chợ Mai… ở huyện Hương Thủy, mùa này, không buổi chợ nào là không có chim đã bị nhổ lông, moi bụng được bán.

 

Đến chợ Thần Phù ở xã Thủy Châu - huyện Hương Thủy, tôi tỏ ra ái ngại khi hỏi mua một con mỏ giác, bà Hà, một người bán thịt chim mỏ giác và vịt nước nói: “Chim ni chỉ được bẫy bằng thuốc mê thôi. Ăn không có chi phải sợ. Mà chú thấy đó, có ai có chuyện chi mô nà?”.

 

Ông Dương Văn Ba, làng Chánh Đông - xã Thủy Châu - huyện Hương Thủy cho biết thêm: “Không chỉ có vùng Hương Thủy và các xã ở Phú Vang, người ở mấy xã dưới Phú Lộc cũng mua thuốc ni để bẫy đó. Hiện nay, người ta dùng phổ biến lắm”.

 

Chỉ tính ở các huyện phía Nam Thừa Thiên Huế, một cánh đồng trung bình có 2-3 người đi bẫy chim bằng thức ăn tẩm độc, một người bẫy được trung bình 10 con chim/ngày. Vậy, ở các huyện Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc mỗi ngày có bao nhiêu thịt chim tẩm độc được mang đi tiêu thụ?

 

Việc bẫy chim bằng thức ăn tẩm thuốc độc đang mang lại thu nhập cho một bộ phận người dân. Nhưng cái họa mà họ mang lại cho cộng đồng là khôn lường. Đó là chưa kể đến sự tận diệt các loài chim di cư như cò, diệc, mỏ giác … ngày càng tăng.

 

Theo VietNamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm