1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Bắt xưởng sản xuất mì chính giả lớn nhất từ trước đến nay

(Dân trí) - Hàng chục bao tải đựng mì chính giả, bột nêm...đã và đang được sang chiết thành từng gói nhỏ để tung ra thị trường, vừa bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an thành phố Thanh Hóa phát hiện và bắt giữ.

Theo đó, vào khoảng 15h ngày 29/1, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an thành phố Thanh Hóa đã phá chuyên án sản xuất mì chính giả với quy mô được cho là lớn nhất từ trước tới nay.

Mì chính giả chất đầy kho.
Mì chính giả chất đầy kho.

Cơ sở sản xuất mì chính giả này đóng tại số 6/85 phố Đinh Lễ, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, do bà Nguyễn Thị Cẩm Hường (SN 1979, trú 29N1, khu đô thị Bình Minh, phường Đông Hương) làm chủ.

Tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 80 bao tải đựng mì chính giả, ngoài vỏ bao bì ghi chữ Trung Quốc, trọng lượng mỗi bao nặng 25kg. Ngoài ra còn nhiều loại hàng hóa khác như: bột nêm, bột chiên mực, dung dịch đặc dùng để nấu lẩu… Tất cả những loại hàng hóa này không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng tại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện 18 thùng mì chính với khoảng gần 1.000 gói đã đóng gói hoàn thiện, chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ. Với người tiêu dùng, quan sát bằng mắt thường thì không thể nhận biết được những gói mì chính giả, bởi hình ảnh, chữ, tên thương hiệu trên vỏ bao đều được in ấn rất sắc nét.

Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản về lô hàng giả.
Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản về lô hàng giả.

Số mì chính giả được bà Hường mua về sau đó sản xuất sang các bao nilon nhỏ được in nhãn mác của các thương hiệu mì chính Miwon, Ajinomoto, A-one…

Ngoài ra, hàng chục bao tải đựng bột nêm có ghi dòng chữ Kooker trên bao bì với trọng lượng lên tới hơn 10kg/bao cũng được bà này mua rồi đóng thành các túi nhỏ từ 0,5kg đến 1kg mang thương hiệu K-norr.

Mới ngửi qua, mùi của loại bột nêm này khá hắc, gây cảm giác nhức đầu, sợi loại bột nêm này không tròn như bột nêm K-norr.

Mì chính giả được đóng thành gói nhỏ để tung ra thị trường.
Mì chính giả được đóng thành gói nhỏ để tung ra thị trường.

Tại điểm sản xuất này còn có nhiều hộp sắt lớn ghi dòng chữ Lion Custard nhưng phía dưới có ghi chữ Trung Quốc. Theo bà Hường cho biết thì đây là loại bột dùng để bao chiên tôm, mực.

Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an thành phố Thanh Hóa còn thu giữ hai máy dán miệng túi, nhiều loại sản phẩm hàng hóa khác.

Bột nêm giả.
Bột nêm giả.
Bột nêm giả.

Theo cơ quan điều tra cho biết, qua công tác trinh sát, khoảng 18 - 19h hàng ngày, Hường nhập hàng mì chính giả về kho, sau đó sản xuất thành các gói nhỏ rồi đưa ra xe ôtô khách chuyển về các huyện tiêu thụ. Bình quân mỗi ngày, Nguyễn Thị Cẩm Hường sản xuất từ 30 - 40 triệu đồng tiền hàng so với giá trị thực của loại hàng hóa giả. Theo khai nhận của bà Hường thì bà bắt đầu sản xuất mì chính giả từ đầu năm 2014 tới nay. 

Máy ép miệng bao bì.
Máy ép miệng bao bì.

Để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm này, bà Hường nhập về khoảng 2,5 tấn mì chính giả và nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc khác, hàng nghìn bao bì giả và nhờ thêm người em tên Nguyễn Thị Sinh (SN 1987, trú 95, phố Đinh Lễ) cùng tham gia sản xuất hàng giả để tung ra thị trường kiếm lời.

Hiện Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an thành phố Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc để đưa đối tượng vi phạm ra xử lý trước pháp luật.

Duy Tuyên