Bắt tạm giam ông Mạc Kim Tôn
(Dân trí) - Ngày 21/7, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng với nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình Mạc Kim Tôn, về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, Ủy ban thường vụ QH đã thông qua nghị quyết 1032 đình chỉ tư cách đại biểu QH của ông Tôn.
16h chiều 21/7, Công an tỉnh Thái Bình bắt đầu thực hiện khám xét nơi làm việc của ông Tôn tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, sau đó việc khám xét được tiến hành tại nhà riêng ông Tôn.
Trong một cuộc trao đổi với Dân trí gần đây, ông Nguyễn Duy Việt, chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định những sai phạm của ông Tôn: "Trong vụ việc này, thứ nhất là hợp đồng không có thật, thứ hai là nguồn vốn không có, hành vi của người làm việc này là lừa đảo và anh Tôn dính líu...Tôi đánh giá đây là đã gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy cần phải xử lý thật nghiêm túc".
Ông Mạc Kim Tôn nguyên là đại biểu Quốc hội khóa XI, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình. Thời điểm cuối tháng 6/2006, khi Công an Thái Bình khởi tố bắt tạm giam đối tượng Trần Thị Ánh với 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, thì mối quan hệ giữa ông Tôn với Ánh dần lộ diện.
Ngày 2/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Sở GD-ĐT đối với ông Mạc Kim Tôn.
Ngày 20/7, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của công an Thái Bình, tiến hành khởi tố bị can đối với ông Tôn về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 BLHS...
Ngày 21/7, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có công văn do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ký, đồng ý với đề nghị của VKSND Tối cao, cho bắt ông Mạc Kim Tôn, đại biểu QH khoá XI.
Ngay sau đó, quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đã được công an tỉnh Thái Bình thực hiện.
Báo cáo kết quả điều tra mới nhất của Công an tỉnh Thái Bình gửi Viện KSND Tối cao khẳng định: Ông Tôn đã tạo điều kiện cho Trần Thị Ánh thực hiện hành vi phạm tội; trực tiếp cùng Ánh gặp gỡ 3 công ty máy tính (Kiên Cường, ASP và STC) để các công ty này tin là dự án có thật.
Ông Tôn còn trực tiếp cùng Ánh xuống 17 trường học chỉ đạo các trường này làm chứng từ khống để rút tiền của các trường với số lượng 66 máy (trị giá 462 triệu đồng, và 23,1 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng); ông nhiều lần nhận quà biếu của Ánh (10 đồ vật trị giá 60,1 triệu đồng), nhận của 11 trường học tổng số 63 triệu đồng (gọi là tiền chi phí chạy dự án).
Cơ quan điều tra cũng đang xác minh thông tin cho rằng, số tiền mà ông Tôn nhận để “chạy dự án” có thể lên tới 300 triệu đồng. Hiện ông Tôn đã nộp lại 60 triệu đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục làm rõ các hành vi phạm tội khác của ông Tôn, đồng thời điều tra mở rộng vụ án.
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. (Trích Bộ luật Hình sự) |
Đức Hòa