1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bất lực với đường lậu tràn biên

(Dân trí) - Tại tất cả các con sông, kênh gần biên giới, đường lậu được vận chuyển công khai rồi nêm chặt vào những kho chứa khổng lồ trước khi được phân phối vào sâu nội địa. Hoạt động buôn lậu đường với nhiều tiểu xảo khiến cơ quan chức năng gần như bất lực.

Nhộn nhịp trên bờ dưới ruộng

Mọi năm, phải đến tháng 7 mới là cao điểm nhập lậu đường, thế nhưng tại miền biên giới An Giang vào thời điểm này việc buôn lậu đường đã nóng lên ở những miền biên giới.

Trên các tuyến đường bộ nối Châu Đốc với Tà Mâu (Campuchia), đường xã biên giới An Nông (huyện Tịnh Biên), khu vực ấp 5, xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu)… hình ảnh đai vác hàng hoặc những xe ba gác máy nêm chặt hàng lậu, trong đó chủ yếu là đường đã trở nên quen thuộc.

So với những năm trước, dân buôn lậu năm nay đã mở rộng khai thác thêm một cửa ngõ nhập hàng tại huyện An Phú từ ngày đưa cầu Cồn Tiên nối huyện An Phú với thị xã Châu Đốc.

An Phú giáp ranh với Campuchia thông qua hệ thống sông ngòi rất tiện cho vận chuyển đường thủy, tiết kiệm chi phí so với hình thức thuê mướn đai vác nhỏ lẻ. Điều này khiến các “đại gia” ồ ạt đầu tư vào tuyến An Phú.

Điểm mặt “anh tài” tại An Phú ngày một nhiều, những đại gia như  T, G, C… là các gương mặt gạo cội đã hình thành nên các “đặc khu” tập kết đường lậu: Vạc Lài (xã Khánh Bình) và ấp 1 (xã Khánh An).

Tại những nơi này, hàng loạt những kho chứa đồ sộ nằm san sát nhau làm nơi tập kết đường lậu, mỗi kho trữ hàng trăm tấn đường. Hoành tráng nhất là kho chứa của T, một tay buôn lậu đường “cự phách” nổi tiếng khắp miệt.

T thuê hẳn một kho chứa của doanh nghiệp tư nhân làm kho chứa. Từ sáng đến trưa, hàng loạt chiếc ghe trọng tải 50-70 tấn đường Thái lan vượt sông Bình Di mang hàng từ Campuchia về An Phú tập kết. Vừa đến bờ, đội quân bốc vác đông đảo được bố trí chờ sẵn rất nhanh chóng cho hàng vào kho chỉ trong nháy mắt.

Cư dân sở tại cho biết, chỉ riêng kho chứa của T mỗi ngày nhâp vào vài trăm tấn đường. Từ đây, đường được công khai vận chuyển đến tận các huyện ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long… để tiêu thụ.

Chống buôn lậu đường: quá khó!

Các cán bộ Chi cục Hải quan Khánh Bình cho biết: Việc xuất nhập đường lậu diễn ra rất nhanh chóng nên rất khó kiểm soát do lực lượng mỏng. Trong khi đó, lực lượng chức năng chỉ có quyền kiểm soát được 1/3 mặt sông Bình Di (giáp giới) vốn chỉ rộng không quá 20m.

Vì vậy để phát hiện đã khó, để vây bắt quả tang còn khó hơn. Khi đường lậu được chuyển vào biên giới Việt Nam bị lực lượng chức năng ập đến bắt quả tang thì các đối tượng buôn lậu sẵn sàng xổ miệng bao xả hết đường xuống sông thậm chí còn nhấn chìm cả ghe để phi tang.

Trong khi đó việc kiểm tra, kiểm soát tại kho hàng buôn lậu càng khó khăn gấp bội. Ông Nguyễn Ái Việt, Chi cục trưởng Chi cục QLTT An Giang cho biết: Dù biết sẵn và kiểm tra phát hiện có kho chứa hàng trăm tấn đường Thái Lan, nhưng không thể làm gì. Đơn giản là các tay đầu nậu đã chuẩn bị sẵn những hình thức đối phó cực kỳ tinh vi.

Khi đường cát Thái Lan vừa nhập lậu vào kho, lập tức chúng được cho ngay vào bao bì có nhãn mác trong nước rồi đóng bao cẩn thận, đường ngoại thành đường nội chỉ trong phút chốc.

Tinh vi hơn, các chủ kho còn dùng hoá đơn bán hàng bị tịch thu hoá giá, hay giấy xuất kho của chính các nhà máy đường trong nước để hợp thức hóa cho đường lậu…

Ông Việt bức xúc: “Dù biết rất rõ những giấy tờ này là “gian”, như đơn hóa giá từ năm 2001, giấy xuất kho của nhà máy đường ở tận miền trung… nhưng vì thiếu sức mạnh phối hợp của các ngành chuyên môn nên đành phải cho qua bởi đến nay vẫn chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn về thời hiệu của hóa đơn.

Với lại một mình lực lượng QLTT không đủ sức cưỡng chế kiểm tra và có biện pháp mạnh đối với các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp được. Trong khi đó, việc xử phạt là rất khó khăn và tính răn đe không lớn”.

Nhật Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm