1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Bất lực” quản lý cai nghiện tại cộng đồng

(Dân trí) - Chương trình cai nghiện bắt buộc vừa chấm dứt, hơn 10.000 người nghiện được trả về, TPHCM lập tức phức tạp, án tăng cao - Thứ trưởng Bộ CA Lê Thế Tiệm giải trình về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng chống ma túy với quy định cai nghiện bắt buộc ở cộng đồng.

Chỉ đủ sức “nuôi” mỗi suất cai nghiện 9 tháng

Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an trình bản báo cáo giải trình đề nghị thực hiện việc cai nghiện tại gia đình là cai nghiện tự nguyện. Việc cai nghiện tại cộng đồng sẽ áp dụng hai biện pháp tự nguyện và bắt buộc. Chính quyền cấp xã, phường có trách nhiệm tổ chức cai nghiện cho người nghiện và có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lập tức phản ứng, cho rằng quy định đó “hoàn toàn không khả thi”. Ông Vượng cho rằng, dù mục đích tốt đẹp, chủ trương “đẩy” cho chính quyền cơ sở quản lý là không thể làm được. Ngay việc thi hành án, có khi chỉ vướng cái địa chỉ không tìm được, đương sự chuyển chỗ ở… đã không tìm nổi, quản lý sao nổi những người nghiện, lang thang đã "thành nghề".

Khó khăn đó còn chưa kể đến những người nghiện có bệnh. Mỗi ca nghiện chết trong trại gian vì AIDS, nhà nước phải “bao” 3-4 triệu đồng, thậm chí 7 triệu đồng, nếu lo cả ma chay. Ngân sách rót cho cơ sở theo đó thì “bất lực”.

Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đưa ra kiến nghị, không nên đặt ra vấn đề cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng mà cần thiết phải kéo dài thời gian quản thúc trong trại tập trung.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Bạch Hồng “bật lại” để bảo vệ quan điểm đã đưa ra trong dự thảo luật sửa đổi. Ông Hồng đặt câu hỏi cho chính ông Đàn, so với thời gian 1-2 năm cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng chống ma túy năm 2000, nếu giờ tăng lên 4-5 năm thì cũng có chắc người ta cai được. Trong khi đó, mỗi suất cai nghiện bắt buộc nhà nước cũng chỉ “gánh” được 9 tháng.

Thêm nữa, theo ông Hồng, nếu thời gian kéo dài như vậy, lượng người nghiện được quay vòng quản lý giảm đi, số lượng đối tượng phức tạp tự do bên ngoài nhiều, gâu nhiều bất ổn, khó khăn cho trị an xã hội.

“Ép” cơ sở tìm việc, dạy nghề

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý, việc buộc cai nghiện tập trung hiện nay đang được hiểu là một biện pháp xử lý hành chính. Nhưng sau thời gian quản thúc mà người nghiện từ bỏ được ma túy là gần như không có. Tỷ lệ báo cáo, 60% người sau cai tái nghiện vẫn còn là quá lý tưởng, thực tế chắc chắn không đạt được.

Để đánh giá có nên tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ cai nghiện không thì phải xem xét sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16, kết quả đạt được là gì. Số lượng người được quản lý tập trung theo diện này giện sống thế nào, có góp phần giảm thiểu tội phạm, tệ nạn xã hội?

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng đề nghị viết lại dự thảo luật sửa đổi vì giao phó cho xã, phường thực hiện cai nghiện, dạy nghề, tìm việc là không tưởng. Chính quyền cơ sở hiện đã quá tải công việc và cũng không kiếm đâu ra kinh phí, trong khi hiện mỗi tỉnh cố duy trì một vài cơ sở cai nghiện mà cũng đã khó “nuôi” nổi.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm khẳng định, Nghị quyết 16 của Quốc hội thực hiện thời gian qua đem lại hiệu quả lớn nhất là việc gom được hơn 33.000 đối tượng nghiện để quản chế, bắt buộc cai tập trung. Tác dụng dễ nhận thấy là tình hình an ninh trật tự giảm hẳn.

Ông Tiệm dẫn chứng, vừa chấm dứt chương trình cai nghiện bắt buộc, TPHCM thời gian vừa rồi trả về địa phương hơn 10.000 người nghiện về cộng đồng thì ngay lập tức mấy tháng gần đây tình hình an ninh trật tự lại rất phức tạp, số vụ án tăng lên. Vì vậy nếu chủ trương gom được người nghiện vào cai tập trung thì quá tốt.

Theo bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm UB Các vấn dề xã hội của Quốc hội, thực tế chúng ta mới chỉ giải quyết được 1/3 số người nghiện, hiện vẫn còn 2/3 số người nghiện ngoài cộng đồng. Bà Mai cho rằng, nên duy trì hình thức bắt buộc cai nghiện tập trung 1-2 năm. Sau đó, với bộ phận những người có nguy cơ tái nghiện cao, tiếp tục “giữ” thêm 1 năm, không có cái gọi là “quản lý sau cai tại cộng đồng”.

P.Thảo