Bất an “phố lồng đèn”

(Dân trí) - Đường Lương Nhữ Học (Q.5, TPHCM) những năm gần đây được biết đến như một “phố lồng đèn” trong lòng thành phố. Cứ mỗi mùa Trung thu, người đổ về đây như trẩy hội. Tuy vậy, cái thú “du Trung thu” ấy có thể sẽ biến thành nỗi ám ảnh…

Người + xe = chật như nêm

Đây là khu tập trung buôn bán lồng đèn Trung thu và các đồ chơi truyền thống khác của người Hoa. Lồng đèn cứ về đêm lại lung linh tỏa sáng nên phố lồng đèn thu hút rất đông người đến mua, tham quan để được hòa vào không khí lễ hội náo nhiệt.

Việc mua bán lồng đèn ở nơi đây đã diễn ra từ mấy chục năm về trước nhưng khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, cái tên “phố lồng đèn” mới được biết đến rộng rãi và lượng khách đến với con đường đầy màu sắc này mỗi năm cũng ngày một đông.


Bất an “phố lồng đèn”

Ô tô, xe máy và người đi bộ cùng chen nhau trên phố tạo nên một không khí vô cùng hỗn loạn, bát nháo và nguy hiểm

Ông Tài, một người bán cà phê bên lề đường Lương Nhữ Học cho biết, khách hàng bây giờ không chỉ có trẻ em mà ngày càng thêm nhiều người lớn, chủ yếu là giới trẻ tới vui chơi. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều diễn viên, sinh viên trường điện ảnh còn đến để quay phim chụp ảnh. Nhiều cặp tình nhân đến dạo phố lồng đèn. Và báo chí cũng viết nhiều hơn về nơi này nên tối nào phố cũng đông.

Đường đông. Xe ô tô lấn xe máy. Xe máy và người đi bộ chen nhau. Lại thêm tình trạng nhiều người đi xe máy ngược chiều để tiện mua hoặc ngắm lồng đèn. Hậu quả là liên tục xảy ra những tai nạn bỏng pô xe gắn máy trên đường.

Cứ thi thoảng thấy một cô gái trẻ mặc váy ngắn kêu thất thanh là người dân trên phố lại bình thản giải thích: “Bỏng pô”. Theo ông Tài, đêm nào cũng có người bị bỏng pô xe. “Đông quá mà! Người và xe chen lấn nhau như vậy làm sao mà không bỏng!”.

Chính vì lý do này mà nhiều đứa trẻ không dám chen lấn chơi ở phố lồng đèn. Dù rất thích ánh sáng rực rỡ đầy màu sắc với những chiếc lồng đèn nhiều hình thù ngộ nghĩnh hai anh em bé Võ Lê Thanh Lâm (học sinh lớp 2 trường Bông Sao – Quận 8) và Võ Lê Chi Mai mới dạo được 3 cửa hàng đã đòi về. Không khí quá ngột ngạt khiến trẻ dễ mỏi mệt, chán nản.

Móc túi, cướp giật “như rươi”

Tình trạng người chen nhau đến không còn không khí để thở khiến phường trộm cắp dễ bề hoạt động

Tình trạng người chen nhau đến không còn không khí để thở khiến phường trộm cắp dễ bề hoạt động

Anh Thu, một người giữ xe trên lề đường, cho biết ở đây liên tục xảy ra các vụ móc túi, giật dây chuyền, cướp điện thoại... Theo anh Thu, người đông, xe đông nên bọn tội phạm dễ bề hoạt động, chúng đi thành nhóm, một kẻ len lỏi hành động rồi chuyển tang vật ngay cho đồng bọn. Điện thoại đắt tiền cũng là đích để bọn đạo chính nhắm tới. Tình trạng các cô gái bị rạch túi lấy ví và điện thoại xảy ra thường xuyên.

Lực lượng dân phòng dù có nghe tiếng nạn nhân truy hô cũng không thể tiếp cận đối tượng nghi can ngay bởi khi len được đến nơi thì tang vật đã được chuyển đi… tận đâu rồi.

Trên một con đường chỉ rộng 6m, dài vỏn vẹn 100m, nhưng chính quyền dường như bất lực với phường tội phạm?

Nghĩ xa hơn về phố cổ Chợ Lớn

Bà Hía, một phụ nữ giữ xe trên lề đường cho biết, mỗi mùa Trung thu, phố lồng đèn hoạt động mạnh khoảng một tháng rưỡi. Lượng người bắt đầu tập trung đông từ mùng 1/7 âm lịch. Từ đó cho đến Rằm tháng 8, đêm nào cũng đông.

Theo ông Tài, mỗi mùa Trung thu, chính quyền có cấm xe trong 3 ngày, từ ngày 13 – 15/8 âm lịch. “Được mấy ngày đó là có trật tự thôi. Chứ còn những ngày khác thì rất bát nháo” - ông nói.

Phố lồng đèn Lương Nhữ Học thuộc phường 11, quận 5, là địa điểm nằm gọn trong khu quy hoạch bảo tồn phố cổ Chợ Lớn. Bên cạnh không gian cổ kính, những hoạt động thương mại mang tính chất văn hóa như “phố lồng đèn” là rất đáng quý. Bên cạnh biểu hiện bề nổi là hiện tượng tập trung vui chơi Trung thu qua việc ngắm sắc màu lồng đèn, nơi đây còn có cả một bề dày truyền thống văn hóa thể hiện trong việc sản xuất, kinh doanh… đồ chơi truyền thống của người Hoa.

Nói như vậy để thấy rằng việc bảo vệ một không gian văn hóa - thương mại như phố lồng đèn là hết sức cần thiết. Song để làm được việc đó, trước mắt chính quyền cần có hướng giải quyết những vấn nạn nói trên, trước khi nghĩ đến những đề án phát triển “to tát” khác.

Hồng Nhật