Bão số 9 đổ bộ vào đất liền, nhiều cây gãy đổ tại Vũng Tàu
(Dân trí) - Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trưa nay (25/11) bão số 9 bắt đầu đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre ... Ghi nhận thực tế, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, gió lốc đã quật đổ nhiều cây xanh trên đường phố; tại Bình Thuận, 6 căn nhà ven biển bị sập...
Trao đổi với phóng viên Dân trí lúc 12h30 trưa nay (25/11), đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia xác nhận, bão số 9 bắt đầu đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre (trọng tâm là Vũng Tàu) và đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
TPHCM vẫn còn mưa to
Từ 10h - 12h ngày 25/11, trên khắp các quận huyện ở TPHCM đều có mưa to, gió lớn. Lúc 11h, ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ có gió lớn khiến nhiều cây xanh bị ngả nghiêng, gãy nhánh.
Mặc dù đang chịu ảnh hưởng của bão nhưng ghi nhận biển Cần Giờ vẫn khá yên ắng vì đang vào nước rằm.
Tại xã đảo Thạnh An, bất chấp mưa gió, nhiều ngư dân vẫn ra bờ biển để tát nước khỏi ghe. Theo người dân, bây giờ không ra tát nước thì ghe bị úng nước, khi nước dâng lên sẽ bị chìm.
Người dân bất chấp mưa gió cứu ghe
Bão đã vào Vũng Tàu, có thể cup điện toàn thành phố
11h ngày 25/11, ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: theo tin của Đài khí tượng thủy văn thì bão đã vào bờ ở khu vực Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, TP Vũng Tàu) gây ra mưa lớn, gió giật cấp 8-9 - giật trên cấp 13. Trong vòng 1 giờ đồng hồ nữa (tức 12h), điện lực sẽ cắt điện toàn thành phố. Tuy nhiên, có thể tình hình mưa bão chưa nghiêm trọng lắm nên đến 12h51, ghi nhận của PV tại TP Vũng Tàu cho thấy thành phố vẫn còn cung cấp điện.
Trưa nay, cơn bão số 9 đã đổ bộ vào thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu) gây mưa rất to và gió lớn. Nhiều cây cối ven đường đã đổ ngã.
Ngay tại khu vực bãi trước, thành phố Vũng Tàu sóng lớn đã làm chìm 1 ghe cá của người dân, mặc dù sóng rất to nhưng những người dân vẫn liều ra cứu ghe.
Khi bão đổ bộ vào, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mưa lớn, gió mạnh. Theo ghi nhận của phóng viên tại TP Vũng Tàu, lượng mưa lớn đổ xuống, gió giật mạnh, khu vực ven biển bị bao phủ bởi màn mưa nặng hạt.
Sóng biển tại TP Vũng Tàu đang dâng cao trên 3m, có tàu cá công suất nhỏ của ngư dân đã bị chìm ngay thời điểm bão đổ vào. Trên nhiều tuyến đường như Thùy Vân, Lê Hồng Phong đã có tình trạng cây bị gãy đổ.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, theo tin từ Đài khí tượng thủy văn thì bão đã vào bờ ở khu vực Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, TP Vũng Tàu) gây ra mưa lớn, gió giật mạnh cấp 8,9 từ trưa 25/11.
Bình Thuận thiệt hại nhẹ do bão số 9
Trước đó, sáng 25/11 gió lớn xuất hiện ở 1 số vùng ven biển TP Phan Thiết, sóng biển dâng cao gây sập 6 căn nhà tạm. Tuy nhiên, nhờ địa phương đã di dời hết 67 hộ nơi đây về nơi an toàn trước khi bão vào nên không có thiệt hại về người. Đến trưa nay, thấy trời yên lại nên 1 số hộ dân đã quay trở về nhà khắc phục thiệt hại do bão gây ra.
Ngoài ra, 1 số đoạn bờ biển ở TP Phan Thiết cũng bị sóng biển đánh sạt lỡ, làm hư hỏng 1 số ghe nhỏ của bà con, cuốn đi 10 thuyền máy công suất dưới 20cv; gió lớn cũng quật ngã 10 cây dừa và 1 đoạn tường rào dài... 1 số thuyền máy cũng bị sóng kéo đứt dây neo nhưng được người dân đưa vào bờ an toàn.
Tại huyện đảo Phú Quý có 2 nhà bị tốc mái, 1 thuyền đánh cá bị hư hỏng nhẹ. Đến trưa nay thì toàn tỉnh đã bình yên trở lại, 1 số nơi còn mưa nhỏ, không còn gió to.
Cây đổ sau gió lốc và mưa ở Vũng Tàu
Nhiều cây đổ ở Vũng Tàu; TP HCM mưa khắp các quận, huyện
Đến 10h30 sáng 25/11, khu vực TPHCM vẫn tiếp tục có mưa ở khắp các quận huyện, thỉnh thoảng có gió mạnh.
Ở ngoại thành, mưa suốt ngày nhưng không lớn
Tại khu vực huyện Cần Giờ, mưa dai dẳng nhưng cũng không quá to, ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của người dân.
Chị Võ Thị Hạnh (tổ 24, ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) bán hàng ăn sáng ở xã đảo Thạnh An cho biết: “Ngày thường tầm hơn 9h đã hết hàng. Ngày mưa gió không ai ra đường với lại người ta cung nghĩ bão không ai bán đồ ăn”.
Do đó, chị Hạnh tranh thủ dọn hàng sớm để nấu đồ ăn từ thiện mang vào khu tránh bão cho người dân. Trước khi bão vào, nhà chị đã đặt sữa hộp và 600 ổ bánh mỳ, 30kg khoai lang để phục vụ miễn phí cho bà con.
Đến 10h45, tại xã đảo Thạnh An bắt đầu có mưa rất to và gió mạnh.
Gió rất lớn ở xã đảo Thạnh An
Trời bắt đầu có mưa rất to ở Cần Giờ
Tại Vũng Tàu, từ 9h - 10h30, trời tiếp tục có mưa to kèm gió mạnh, xảy ra tình trạng ngã đổ hàng loạt cây xanh, bảng quảng cáo.
Xử lý cây xanh ngã đổ ở Vũng Tàu
Tại Ninh Thuận, từ 10h sáng nay đã bắt đầu có mưa to trở lại sau 4 tiếng tạnh. Hiện người dân đang lo ngại nước sông Dinh dâng cao sẽ gây ra ngập lụt, sạt lở.
Trưa nay bão sẽ đổ bộ đất liền
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 9h sáng nay, bão số 9 đã áp sát bờ biển từ Bình Thuận đến Bến Tre, trọng tâm là khu vực Vũng Tàu. Dự kiến, trưa nay, bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh này.
Theo bản tin mới của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 8h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10-11; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. Đến 19h ngày 25/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày và đêm nay (25/11) có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động mạnh. Sóng trên biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão cao 4-5m. Ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió giật cấp 6-7. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động (BĐ) 2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.
Bắt đầu mưa to
Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM, đêm qua (24/11) mưa liên tục nhưng không nặng hạt, không nhiều gió. Sáng sớm nay, trời mưa lâm thâm. Đến gần 9h sáng nay, xã đảo này bắt đầu mưa to kèm gió mạnh. Người dân thỉnh thoảng vẫn đội áo mưa ra đường, nhưng loa phát thanh liên tục cảnh báo người dân hạn chế việc ra đường.
Xã đảo Thạnh An, Cần Giờ mưa lớn lúc 8h50 sáng nay (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Trong đất liền TPHCM, suốt đêm 24/11 đến rạng sáng 25/11 có mưa nhỏ ở nhiều nơi, thỉnh thoảng có gió lốc nhỏ.
Mưa lớn ở Cần Giờ
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bắt đầu từ sáng 25/11 đã có mưa to, gió mạnh. Đến 9h sáng, mưa bắt đầu rất to, gió giật mạnh. Chưa ghi nhận được thiệt hại lớn nhưng các sự cố nhỏ như rớt biển quảng cáo, gẫy cành cây đã xảy ra.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đến 9h sáng 25/11, mưa bắt đầu rất to, gió giật mạnh.
Mưa gió ở Vũng Tàu
Tại Ninh Thuận có mưa to suốt đêm 24/11 đến 9h sáng nay mới ngừng. Dù gió không to nhưng vì mưa lớn nên nhiều nhà vườn cho biết các vườn nho, táo đang có trái bị hư hại rất nhiều.
Mưa lớn đêm 24/11 khiến nhiều vườn nho, táo đang cho quả thiệt hại nặng
Cháy 2 tàu cá, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng
Ngày 25/11, ông Dương Minh Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, trong lúc neo đậu tránh trú bão số 9 đã xảy ra vụ cháy hai tàu đánh cá, gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Theo đó, vào lúc 0 giờ ngày 25/11, tại khu vực Rạch Bắc Kỳ, ấp An Thạnh, xã An Thủy, huyện Ba Tri, hai tàu đánh bắt cá biển kiểm soát BT 98118TS, do bà Nguyễn Thị Huệ (xã An Thủy, huyện Ba Tri) làm chủ và tàu mang biển kiểm soát BT 93519TS do ông Lê Văn Ân (xã An Thủy, huyện Ba tri) làm chủ, bất ngờ xảy ra cháy lớn.
Nhận tin báo Đồn biên phòng Hàm Luông phối hợp lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Bến Tre nhanh chóng dập lửa, để không gây cháy lan sang các tàu khác. Sau hai giờ, các ngành chức năng nỗ lực chữa cháy, đám cháy đã được dập tắt.
Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân hai tàu cá bị cháy buồng lái là nghi do chập điện. Hiện, các ngành chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ vụ cháy.
Thông tin dự báo mới, vị trí tâm bão lúc 07h ngày 25/11 khoảng 10,20N; 107,40E, cách Vũng Tàu khoảng 30km, cách Bến Tre 95km. Sức gió mạnh nhất: cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 12. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5Km/h, hướng đến Vũng Tàu-Bến Tre.
Bão áp sát bờ biển Vũng Tàu - Bến Tre
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16h ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Campuchia. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày và đêm nay (25/11) có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy; nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 2-4m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động (BĐ) 2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.
Bến Tre mưa lất phất, gió bắt đầu mạnh dần lên
Sáng 25/11, tại tỉnh Bến Tre bắt đầu xuất hiện mưa lất phất, gió mạnh dần lên, trời âm u. Riêng tại vùng ven biển gió khá mạnh, xuất hiện dông một vài nơi.
Theo báo cáo của Đài khí tượng thủy văn Bến Tre, hồi 04 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Tại vùng biển Bến Tre, do ảnh hưởng của bão số 9, có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Có mưa rào và giông. Tại vùng ven biển Bến Tre (ven biển các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại) đề phòng khả năng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Trong cơn mưa giông nguy cơ xảy ra gió giật mạnh và lốc xoáy.
Tại khu vực còn lại của tỉnh Bến Tre: Trong ngày 25 có gió Tây Bắc đến Tây cấp 6-7, giật cấp 8-9. Từ giờ đến hết ngày 26/11 có mưa, rải rác có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông tập trung ngày 25. Trong cơn mưa, giông cần đề phòng gió giật mạnh và lốc xoáy. Lượng mưa đợt này khoảng 30-70mm.
Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác ứng phó với bão số 9 tại Bến Tre đã hoàn tất. Tại ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú) đã tiến hành di dời, sơ tán 24.000 hộ dân đến nơi an toàn. Trong đó vận động di dời 20.315 người có nơi ở không an toàn đến khu vực an toàn tại khu tránh trú bão và 4.184 người được hỗ trợ sơ tán.
Tính đến chiều qua (24/11), lực lượng chức năng trong tỉnh đã liên lạc tổng số 3.106 phương tiện hoạt động trên biển, với 17.536 người. Hiện tại, có 1.246 phương tiện đang neo đậu tại khu vực an toàn.
Đồng thời, Bến Tre cũng quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tạm ngưng hoạt động đối với bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch... kể từ 17 giờ ngày 24-11; chỉ đạo cho học sinh các cấp, sinh viên được nghỉ học từ 13 giờ ngày 24-11 để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên tại các trường trên địa bàn; tạm ngưng hoạt động đối với các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, nhất là đối với các khu du lịch ven biển, ven sông, các cồn...
Minh Giang
Nhóm phóng viên