Bạo hành gia đình - nỗi đau khó phát hiện sau cánh cửa mỗi ngôi nhà
(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy lên án nhiều vụ bạo hành được dung túng bởi chính những người ruột thịt, thương tâm hơn là nhiều em bị bạo hành mà vĩnh viễn mất đi cuộc sống…
Chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi. Nhiều đại biểu lên tiếng phản đối các vụ bạo lực, bạo hành trẻ em mà người gây ra là chính người thân của các bé.
Các em phải chịu nỗi đau cả trên cơ thể và tâm hồn
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nêu vấn đề về phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình. Theo bà Thủy, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng trong thời gian qua.
"Thống kê của Bộ Công an, năm 2021, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em thì hầu hết là do chính người thân trong gia đình gây ra. Thống kê từ tổng đài bảo vệ trẻ em, 70% cuộc gọi là những vụ việc do người thân trong gia đình gây ra" - bà Thủy thông tin.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân; các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế và những người chồng hờ, mẹ hờ của cha mẹ các cháu. Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành được dung túng bởi chính những người ruột thịt, vậy nên nhiều em phải chịu nỗi đau chằng chịt cả trên cơ thể lẫn trong tâm hồn; thương tâm hơn là nhiều em bị bạo hành mà vĩnh viễn mất đi cuộc sống.
Bà Thủy cho biết, đặc điểm của bạo lực gia đình là xảy ra sau cánh cửa của mỗi gia đình, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế nữa, nạn nhân bị bạo hành là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng.
"Thời gian qua ghi nhận nhiều vụ bạo hành đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài và chỉ được phát hiện khi các em được đưa tới bệnh viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Đơn cử như vụ bạo lực gây chấn động dư luận khiến bé gái 8 tuổi tử vong ở TPHCM, bé được đưa tới viện trong tình trạng đã tử vong; hay vụ bé 3 tuổi ở Hà Nội được đưa tới viện trong tình trạng có 9 chiếc đinh ghim trong đầu" - bà Thủy dẫn chứng và chỉ ra nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn thiếu những quy định để ngăn ngừa, phòng chống bạo hành trẻ em.
Qua rà soát Luật Trẻ em thấy rằng trong luật không có biện pháp cấm tiếp xúc. Trong luật có biện pháp tạm thời cách ly trẻ em khỏi gia đình, điều kiện áp dụng là người bạo hành là chính cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Đối chiếu với các vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian vừa qua, đối tượng bạo hành là chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ gây ra thì không thuộc trường hợp bị cấm tiếp xúc theo dự thảo luật phòng chống bạo lực gia đình và không thuộc trường hợp quy định trong luật trẻ em. Đây là những khoảng trống của pháp luật cần phải rà soát, bổ sung để kịp thời bảo vệ trẻ em.
"Một tiếng kêu cứu của trẻ em dù ở bất cứ nơi đâu cũng thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta. Để sự vào cuộc không bao giờ là muộn thì trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi; các biện pháp bảo vệ trẻ em cần phải được quy định ở mức độ cao hơn và sớm hơn" - bà Thủy nhấn mạnh.
Nữ đại biểu đưa ra 3 kiến nghị: Rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Trẻ em. Bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa trẻ em trong môi trường gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đề nghị áp dụng đối với cả những trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ UBND cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền tạm thời áp dụng biện pháp cách ly trẻ với gia đình.
Đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) góp ý vào quy định về hành vi bạo lực gia đình, quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó, trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình.
Nữ đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần xem xét lại cho sát với thực tiễn. Bởi lẽ, trong thời đại công nghệ 4.0 với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các nền tảng ấy sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình.
Cũng trong quy định này, trường hợp là trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, tại Điều 6, Khoản 11 của Luật trẻ em 2016 lại quy định về các hành vi nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em và cả hai luật.
Nữ đại biểu cũng đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng. "Hiện nay chúng ta sẽ thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực và đại biểu cho rằng, bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình" - bà Hà nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình.
Theo bà Hà, dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Đại biểu đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.
Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.