An Giang:
Báo động nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
(Dân trí) - Trong tháng 2, ở huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn (An Giang) đã xảy ra 6 vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn. Ngành kiểm lâm tỉnh báo động nguy cơ cháy rừng cấp V và bố trí lực lượng trực 24/24h tại các cánh rừng.
Theo báo cáo của ngành Kiểm lâm An Giang, trong tháng 2, tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn đã xảy ra 6 vụ cháy rừng. Các vụ cháy chỉ gây thiệt hại chủ yếu là cháy lớp thực bì, cỏ, lướt dưới tán rừng, không gây thiệt hại đến rừng.
Trước tình hình thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài, gió nhiều, mấy ngày qua, ngành kiểm lâm tỉnh đề ra hàng loạt phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để trực 24/24h tại những khu rừng thuộc hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, bởi những cánh rừng ở đây ở mức báo động cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Khu vực núi Sam (thị xã Châu Đốc) có diện tích khoảng 100 héc-ta rừng đồi núi. Hiện nay, trên núi nhiều nơi cây cối bị chết khô. Riêng khu vực này, Trạm Kiểm lâm núi Sam cũng đã bố trí đến 20 bồn chứa nước phòng cháy rừng. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là ở trên núi Sam có nhiều miếu, am cốc, cơ sở thờ tự, tình trạng thắp nhang đèn cúng viếng của du khách rất đông.
Trước nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuần tra để kịp thời ứng phó
Trước nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm tại các cánh rừng trên địa bàn huyện Tịnh Biên, mới đây đoàn công tác Cục Kiểm lâm Việt Nam và Kiểm lâm Vùng 3 vừa đến kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn huyện Tịnh Biên. Ông Triệu Văn Lực, Cục phó Cục Kiểm lâm Việt Nam yêu cầu các lực lượng thường trực duy trì việc ứng trực thông tin liên lạc, trực quan sát trên các chòi canh; trang bị thêm các dụng cụ chữa cháy rừng cần thiết; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với các đối tượng là chủ rừng, người sống gần rừng; tăng cường tuần tra, luồn rừng; xác định diện tích khô hạn để dự báo cấp cháy rừng; đưa ngay phương tiện, dụng cụ chữa cháy đến các khu vực trọng điểm dễ cháy để ứng cứu kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. |