Bão đổ bộ Thái Bình - Ninh Bình với cường độ mạnh
(Dân trí) - Tại Thái Bình, gió rất to đã làm đổ cột, đứt dây điện khiến việc mất điện xảy ra trên diện rộng; cùng đó, nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều cây cối đổ trên đường. Tại Nam Định, gió lớn kèm theo mưa, sấm chớp đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, tung cửa... Nhiều người dân có phần bất ngờ về cường độ cơn bão.
1h15, tại Nam Định, mưa to dần và gió đang giật từng hồi. Theo người dân, trước đó, gió đã có những lần đổi hướng và hiện tại gió đã xoay sang hướng Đông.
0h30, tại Thái Bình, mưa vẫn rất to và gió thổi mạnh. Lượng cây cối bị đổ trên đường phố rất nhiều. Tại Nam Định, mưa đã ngớt nhưng gió đang rất mạnh.
Cơn bão đã gây ra nhiều thiệt hại vật chất tại thị trấn Cát Thành, Trực Ninh, Nam Định - hình ảnh chụp lúc 0h50 ngày 28/7 (Ảnh: Đình Hưng)
0h15 ngày 28/7, một số người dân tại Trực Ninh - Nam Định phản ảnh, nhiều nhà mái ngói tại đây bị tốc, mái tôn bay liểng xiểng, nhiều cửa kính bị giật tung. Không ít người bất ngờ về tâm bão và cấp độ của bão.
Những hình ảnh tại khu 2 Đồ Sơn lúc 0h15
23h50, tại Hải Phòng, gió bắt đầu giật mạnh. Tại Hà Nội, gió lốc vẫn khá mạnh, ở nhiều khu vực mưa nặng hạt hơn.
23h25, tại Nam Định, do gió lớn, kèm theo mưa, sấm chớp, một số hộ gia đình phải chằng chéo nhà cửa tránh bão. Có những nhà dân ở thị trấn Cổ Lễ - huyện Trực Ninh cách biển hàng chục kilomet cũng bị gió giật tung cửa. Nhiều người dân có phần chủ quan đã không chằng chống nhà cửa từ trước.
23h15, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 23h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ vĩ Bắc; 106,2 độ kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh Thái Bình-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 11-13. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo đường đi của bão số 1
23h06, tại Thái Bình, việc mất điện xảy ra trên diện rộng do mưa và gió rất to làm đổ cột, đứt dây trên các đường dây trung thế, hạ thế. Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình, do gió cấp 6 trở lên kèm theo giật mạnh nên Điện lực Thái Bình chủ trương không điều động nhân viên xuống hiện trường khắc phục sự cố ngay vì lo nguy hiểm đến tính mạng nhân viên. Vì thế, phải đến sáng 28/7, việc khắc phục sự cố mất điện mới được triển khai...
Cây đổ rất nhiều trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Tại Nam Định đang có gió to kèm theo sấm chớp. Cường độ gió mạnh hơn nhiều so với trước đó. Một số trạm bơm tại địa phương này đang hoạt động hết công suất để chống ngập úng. Tại Hà Nội, vẫn đang có gió lốc mạnh kèm theo mưa.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 22h, tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông; ngay trên bờ biển các tỉnh Nam Định-Ninh Bình
22h18', tại Nam Định, gió đang giật cấp 10. Lượng mưa ngớt hẳn. Huyện Hải Hậu đã sơ tán 47 hộ dân với 100 nhân khẩu ở vùng có khả năng ngập lụt và 1.000 nhân viên phục vụ tại hơn 200 nhà hàng ở Khu du lịch Thịnh Long đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Nam Định, lúc 15h ngày 27/7, Đồn Biên phòng Quất Lâm cứu nạn thành công 3 ngư dân ở trên ở trên tàu bị sóng to, gió lớn đánh chìm. Được biết, chiếc tàu trên mang số hiệu NĐ-91737 CS do anh Lê Văn Tuấn (SN 1989), ở thị trấn Quất Lâm, làm thuyền trưởng khi tàu đang ở cửa sông Sò-Hà Lạn ở xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu.
Hiện nay các khu vực ven biển Nam Định cũng bị cắt điện để đảm bảo an toàn.
Gió giật khá mạnh tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã khiến một số nhà dân bị tốc mái.
22h15, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của bão số 1, lúc 21h00 ở Văn Lý (Nam Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Hồi 22 giờ ngày 27/7, tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông; ngay trên bờ biển các tỉnh Nam Định - Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 10-12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ phía Nam Quảng Ninh đến phía Bắc Thanh Hóa.
22h, theo ghi nhận của phóng viên, trung tâm TP.Thái Bình xuất hiện những đợt mưa lớn kèm theo gió giật mạnh, có chiều hướng tăng dần. Tại các tuyến phố trung tâm như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, gió giật mạnh đã làm gãy đổ, bật gốc một số cây ven đường. Người dân cũng hạn chế ra đường và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh bão. Các lực lượng chức năng cũng túc trực trên các tuyến phố để kịp thời xử lý các tình huống do bão số 1 gây nên.
Gió mạnh, mưa ràn rạt giật đổ nhiều cây xanh, "bóc" nhiều mái tôn, hàng rào nhà dân ở Thái Bình (ảnh: Nguyễn Hậu).
21h10, thông tin từ cơ quan khí tượng dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km, đi vào các tỉnh từ Nam Định-Bắc Thanh Hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.
Vị trí mới nhất được cập nhật của cơn bão số 1 là đang di chuyển ở bờ biển các tỉnh Nam Định - Ninh Bình.
20h51', tại Thái Bình, một số huyện ven biển do có gió mạnh, Thái Thụy, Tiền Hải và vùng xung quanh thành phố đang phải cắt điện.
Gió mạnh vặn xoắn, hất tung nhiều biển quảng cáo các nhà hàng ở Đồ Sơn - Hải Phòng (ảnh: Mạnh Thắng).
20h40', thông tin từ Ninh Bình, gió bão không quá lớn, diễn biến tương ứng với dự báo. Người dân và các lực lượng túc trực không phải chống đỡ vất vả dù tâm bão đang hướng thẳng địa phương này.
Trao đổi với PV Dân trí lúc 20h10, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Lúc 20h ngày 27/7, vị trí tâm bão số 1 chỉ cách bờ biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình khoảng 20-30km. Vận tốc di chuyển của bão có phần chậm lại, chỉ khoảng 5km/h. Dự kiến khoảng 21-22h bão sẽ đổ bộ lên đất liền".
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, tâm bão số 1 đang hướng vào các tỉnh Thái Bình – Ninh Bình, nhưng gió lại mạnh ở phía Nam Định và Thái Bình. Trong khi phía Ninh Bình trở vào sức gió không mạnh.
Từ 20h ngày 27/7, khu vực đảo Hòn Dấu ở Hải Phòng và đảo Cô Tô của Quảng Ninh, gió đang khá mạnh.
Gió bão quật ngã nhiều cây cối ở Đồ Sơn - Hải Phòng.
Tại TP.Thái Bình, đường phố khá yên ắng, chỉ đôi chỗ cây cối gãy đổ dọc đường (ảnh: Đức Văn).
20h, Quảng Ninh gió thổi không quá mạnh, giật nhưng mưa rất lớn. Lo ngại lớn nhất là mưa to nếu kéo dài cả đêm sẽ lại nhấn chìm nhiều khu vực.
Khoảng 19h45', tại Đồ Sơn, trời không mưa nhưng gió giật mạnh. Hiện tại nhiều khu vực đã mất điện. Dù gió mỗi lúc một mạnh lên nhưng vẫn có một số du khách ở lại bờ biển. Các nhà hàng tại khu 2 hầu hết đã đóng cửa. Các tuyến đường quanh khu 1, 2 vắng tanh, hầu như không thấy bóng người.
Dù vậy, đa phần các nhà hàng sát bờ biển hiện tại chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi cơn bão, ngoại trừ việc vắng khách và mất điện.
Sóng đánh mạnh trên biển Đồ Sơn - Hải Phòng.
Tính đến chiều nay, tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng, khu vực vốn được coi là xung yếu trong mùa mưa bão, hàng trăm tàu thuyền đã được gọi về bờ; các công trình nhà cửa, trường học... đều được chằng chống cẩn thận. Các bao cát cũng được chuẩn bị để phòng chống nước ngập.
Tại một số cống tiêu thoát nước dưới đê biển để chống ngập úng đã được các công nhân đóng cống.
Các hàng quán, khách sạn đã đóng cửa. Số ít khách du lịch còn lại cũng đang di chuyển khỏi khu vực Đồ Sơn để tránh bão.
Chiều nay, thời tiết trên vùng biển Hải Phòng có sóng to kèm mưa và gió giật mạnh.
Vào lúc 15h, mưa to, sóng lớn kèm theo gió giật cấp 10, cấp 11 đã hoành hành khu vực Đồ Sơn. Sóng đánh cao hàng mét. Dọc tuyến đường quanh bờ biển khu I, sóng đã đánh vượt bờ kè tràn lên đường.
Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, từ trưa nay đã có gió giật cấp 11, cấp 12. Hiện chỉ còn 19 phương tiện được neo đậu trong âu cảng, 44 phương tiện gắn máy đã được đưa lên bờ.
Hiện nay, các tuyến đê đã được gia cố, duy chỉ còn 10 km đê biển ở Cát Hải đang xây dựng là có khả năng bị nguy hiểm.
Các nhà hàng tháo biển quảng cáo trước giờ bão đổ bộ.
Đóng cống tiêu thoát nước.
Neo buộc tàu thuyền
Một số ít khách du lịch cố "tận hưởng" cảm giác bão ở Đồ Sơn trước khi rời đi.
Chuẩn bị các bao cát để chặn mái và chống ngập.
Tàu thuyền về bến tránh trú bão.
Biển Hải Phòng chiều nay thời tiết xấu.
Nam Định: Hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết, tập trung chống bão số 1
Nhằm ứng phó và tránh những thiệt hại do bão gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã ký công điện khẩn yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp không cấp thiết để tập trung triển khai phòng, chống bão từ chiều 27/7.
Bắt đầu từ 10h sáng nay, Nam Định cũng xuất hiện mưa khá lớn. Để ứng phó với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đã yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 11h ngày 27/7 cho đến khi bão tan.
Sáng nay Nam Định bắt đầu có mưa.
Các địa phương, đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Yêu cầu tất cả tàu, thuyền, người lao động tại các chòi canh ngao, vùng nuôi trồng thủy hải sản bên ngoài đê biển vào bờ trước 10 giờ ngày 27/7; đồng thời rà soát lại số lượng nhà tạm, nhà yếu để có phương án di dời người dân khi có lệnh.
Hiện nay, tỉnh Nam Định có 17.000 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, hơn 700 lều, chòi canh ngao, trên 2.000 tàu thuyền hoạt động trên biển với khoảng 4.000 ngư dân làm ăn trên biển.
Trong trường hợp có bão mạnh hoặc siêu bão đổ bộ vào địa bàn, Nam Định sẽ tiến hành di dời trên 290.000 người ra khỏi những ngôi nhà tạm, nhà yếu, khu vực đê biển tại 3 huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu.
Hải Sâm - Đức Văn - Mạnh Thắng - Xuân Ngọc - Nguyễn Dương - Thái Bá - Nguyễn Hậu