1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bão Conson có diễn biến quá phức tạp

(Dân trí) - Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW diễn ra chiều nay 17/7, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ bày tỏ lo ngại về diễn biến quá phức tạp của bão Conson.

Theo nhận định của ông Hải đây là cơn bão có sức càn quét diện rộng, vùng tâm bão hiện được xác định là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An... sẽ bị đuôi bão quét qua.
 
Trong khi đó, hệ thống mây tập trung không đều, phía nam dầy hơn phía bắc nên sau bão dự kiến sẽ có 2 vùng mưa lớn: đồng bằng Bắc Bộ, gồm Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và Hà Nội (dự kiến, lượng mưa từ 100 - 300 mm) còn vùng mưa to thứ hai là Thanh Hóa, Nghệ An.
 
Do mưa tập trung ngắn từ đêm nay đến hết sáng mai (18/7) nên nhiều chuyên gia nhận định khả năng ngập úng ở Hà Nội là rất lớn.
 
Bão Conson có diễn biến quá phức tạp - 1
Nhiều khả năng Hà Nội lại rơi vào cảnh ngập lụt  (Ảnh CTV)
 
Trước tình hình này, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ đã gửi công điện khẩn đến UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố đốc thúc, chủ động các đơn vị chức năng sẵn sàng ứng phó với mưa bão, ngập úng.
 
Về diễn biến của bão Conson, theo thông báo mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ: Hồi 20h ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10.
 
Bão Conson có diễn biến quá phức tạp - 2
Bão đã tràn vào bờ biền Hải Phòng - Thái Bình. (Ảnh: NCHMF)
 
Do ảnh hưởng của bão, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9; giật cấp 10, cấp 11. Ở Cửa Ông (Quảng Ninh) đã đo được gió mạnh cấp 9, cấp 14; gió bão tại Cô Tô đến cấp 9, giật cấp 12...
 
Từ chiều tối nay các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa, mưa vừa, một số nơi có mưa to đến rất to.
 
Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp, gây mưa lớn ở một số khu vực thuộc Đồng bằng Bắc Bộ.
 
Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm