Bão chưa vào, TP Huế đã ngổn ngang cây đổ
(Dân trí) - Hơn 11h trưa nay (14/9), tại TP Huế, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, mưa lớn và gió to đã làm cho khá nhiều cây xanh trong thành phố bị gãy đổ. Trong khi đó tại Nghệ An dù có mưa nhưng không đáng kể. Hệ thống cây xanh trên đường được chằng chống khá cẩn thận.
Tại cầu Vỹ Dạ, một cây xanh thân lớn ở chân cầu, đoạn đường Phạm Văn Đồng giao với cầu đã bất ngờ gãy từ gốc, đổ đè lên một xe ô tô biển số xanh 75C-6767 đang lưu thông trên cầu.
May mắn sự việc đã không làm thương vong về người. Tuy nhiên giao thông tại cầu Vỹ Dạ đã bị ách tắc.
Đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Huệ, Đống Đa, một số cây xanh bị gió lớn “chém” ngang, thân cây đổ ra đường làm ảnh hưởng giao thông. Biển hiệu quảng cáo bay tơi tả.
Trưa nay, tại nhiều trường mầm non ở TP Huế, phụ huynh tất tả đến đón con về nhà tránh bão vì nghe thông báo toàn tỉnh nghỉ học từ chiều 14/9.
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan ban ngành đã họp trực tuyến với Chính phủ và các địa phương để kịp thời ứng phó với cơn bão số 10 được xem có cường độ rất mạnh đang tiến vào bờ biển miền Trung.
Biển quảng cáo trên đường Đống Đa
Phụ huynh đón con về buổi trưa nay.
Mưa gió lớn tại Huế trước giờ bão số 10 đổ bộ.
Nghệ An chằng chống cây xanh trước giờ bão vào
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão số 10 với cường độ rất mạnh, khi đổ bộ vào đất liền dự báo gió cấp 13, giật cấp 15, đạt cấp rủi ro thiên tai cấp 4 và còn diễn biến phức tạp. Nhiều khả năng bão đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa đến Quảng Bình kèm theo mưa to đến rất to, lượng mưa từ 200-300mm.
Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền hoạt động trên biển, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh bão an toàn hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi…
Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 7h ngày 14/9/2017. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu an toàn trước 17h ngày 14/9.
Tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa, đến nay có 268 hồ đầy nước, 357 hồ còn lại mực nước chỉ còn 70-80%. Nghệ An cũng đã có phương án phòng chống ngập úng ở đô thị, thành phố, chỉ đạo các trạm bơm tiêu úng, kiểm tra phương án di dời dân, đặc biệt là di dân vùng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lở do mưa lũ ở miền núi…
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) triển khai công tác chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 10 sáng nay, Nghệ An đề nghị Trung ương cho tàu cứu hộ cứu nạn công suất lớn vào cảng Cửa Lò để ứng cứu khi cần thiết.
Thời điểm hiện tại, Nghệ An mới thu hoạch được hơn 26 diện tích lúa trên đồng. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, các địa phương đang tích cực huy động người dân tập trung thu hoạch lúa, tránh tình trạng ngập úng, hư hỏng khi có mưa lớn xảy ra.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ khoảng 9h sáng ngày 14/9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bắt đầu có mưa, tuy nhiên lượng mưa không đáng kể. Hiện công tác ứng phó với cơn bão số 10 đang được chính quyền địa phương cùng người dân tích cực triển khai nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.
Trong 2 ngày 14, 15/9, nhiều cuộc họp của tỉnh và các ngành ở Nghệ An đã bị hoãn để tập trung dồn sức chống bão số 10.
Đại Dương - Hoàng Lam