1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Báo chí cần đi đúng lề đường bên phải!

“Để báo chí phát triển đúng - nhanh, có nhiều việc cần làm. Trong đó quan trọng là phải sửa đổi Luật báo chí, hoàn chỉnh hành lang pháp lý để báo chí không bị chỉ đạo quá cụ thể mà là chỉ đạo cơ bản. Làm sao cho báo chí cũng giống như người tham gia giao thông, cứ đi đúng lề đường bên phải thì sẽ an toàn và được tự do”.

Đó là phát biểu của tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp về công tác quản lý báo chí trong thời gian tới.

 

Từng trải qua 16 vị trí công tác khác nhau, song có thể nói trọng trách mới bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông thật sự là một thử thách hàng đầu đối với ông Lê Doãn Hợp. Như lời ông nói là do chịu nhiều sức ép, một bên là nhu cầu phát triển năng động, một bên là nhu cầu quản lý.

 

“Tôi sẵn sàng nhảy vào cái khó!”

 

Đã một tuần từ khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông có thể chia sẻ về công việc mới của mình?

 

Tôi bắt đầu công việc mới từ ngày 5/8. Bắt đầu nhận nhiệm vụ, tôi rất lo. Nhưng tự thấy lo lắng là một dấu hiệu tốt. Mình không được đào tạo chuyên sâu về bưu chính - viễn thông. Nói theo ngôn ngữ báo chí là mình “nhảy dù” về bộ. Sau một tuần, tôi cảm thấy ấm lòng hơn vì mọi việc tiến triển tốt.

 

Ngày đầu tiên, hai bộ trưởng cũ - mới gặp nhau. Ngày thứ hai, tôi gặp mặt toàn bộ hơn 200 cán bộ nhân viên của Bộ Bưu chính - viễn thông để nói hết tâm trạng và định hướng cho thời gian tới.

 

Có thể nói tuyên ngôn hành động của tôi được tóm gọn trong 40 chữ. 10 chữ là nhiệm vụ chung toàn ngành: “Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, hội nhập, phát triển”. 10 chữ tiếp định hướng cho ngành thông tin: “Trung thực, dũng cảm, thận trọng, nhanh nhạy, hướng thiện”. 10 chữ cho truyền thông: “Cơ chế, chính sách, công nghệ, cốt cán, cơ sở”.

 

10 chữ cuối cùng tôi tự răn bản thân: “Tận tụy, gương mẫu, dân chủ, sáng tạo, kỷ cương”. Tận tụy để cấp dưới thương; gương mẫu để cấp dưới trọng; dân chủ để cấp dưới dễ gần; sáng tạo để cấp dưới có thêm việc làm để có thêm thu nhập chính đáng và kỷ cương để người tốt có điểm tựa, người chưa tốt không dám chi phối, lợi dụng, lộng quyền.

 

Ông sẽ quản hai ngành trái nhau: truyền thông thiên về khoa học tự nhiên, máy móc thiết bị; còn thông tin, báo chí thuộc khoa học xã hội. Ông làm gì để không quá chú trọng vào mảng này mà sao nhãng mảng kia?

 

Một người không thể nắm hết tất cả mọi vấn đề, bộ mới lại có khoảng 32 nhiệm vụ. Khi là lãnh đạo tỉnh, tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm chỉ đạo điều hành mảng bưu chính - viễn thông, tất nhiên không chuyên sâu.

 

Bộ trưởng thì phải bao quát toàn diện công việc của bộ, không thể nói thuận mặt nào quan tâm mặt đó. Không thuận thì khoán trắng cho người khác. Nên cái tài tôi cần nhất lúc này là tài tập hợp và phát huy hết tài năng của người khác để hòa mình vào công việc mới với một bộ đa ngành.

 

Ngày làm việc thứ ba, tôi đã dành cho mỗi thứ trưởng một tiếng, yêu cầu anh em nói rõ bốn vấn đề: mảng công việc mỗi người đang phụ trách, thuận lợi, khó khăn; việc phân công các thứ trưởng như hiện nay đã phù hợp chưa; bộ trưởng nên quan tâm đến những lĩnh vực nào và những kiến nghị đề xuất của bản thân về chức năng nhiệm vụ của bộ mới.

 

Có một việc được nhắc đến nhiều mà mãi chưa thực hiện được, đó là lập các tập đoàn báo chí. Bộ trưởng nghĩ sao về việc này?

 

Đúng là các cơ quan quản lý còn chưa ngồi được với nhau nhiều để bàn về điều này. Tôi thấy nên hình thành thí điểm, tổng kết rồi mở dần.

 

Bây giờ mình đã hội nhập thì cái gì tốt mà thế giới có mình cũng sẽ có, vì vậy phải học kinh nghiệm của thế giới để quản lý. Nhưng không phải học một cách nguyên đai, nguyên kiện mà phải học theo hướng sáng tạo trên vùng đất hiện thực của mình để làm theo kiểu Việt Nam. Những gì thế giới hay mình phải tiếp cận, đi sau họ thì phải đi đúng và đi nhanh hơn.

 

Tôi hứa sẽ sớm thành lập một tổ công tác nghiên cứu về vấn đề này. Đây là một món nợ khá quan trọng phải giải quyết trong tương lai.

Nói chung tuần đầu tiên tôi dành thời gian để nắm thông tin. Tuần sau, phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong tháng 8/2007. Trọng tâm công việc thời gian tới là phải hoàn thành nghị định về chức năng nhiệm vụ của bộ mới, thay đổi một số quy chế hoạt động gắn với phân công, phân cấp. Từ đó sẽ sắp xếp, lắp ghép cán bộ. Tiếp đó là hoàn chỉnh nhanh kế hoạch năm 2008.

 

Việc quan trọng nữa là nghe qui hoạch và kiến trúc xây dựng trụ sở mới. Làm sao để việc đầu tư trụ sở phải đảm bảo hoạt động tốt nhất của Bộ Thông tin và truyền thông, là hình mẫu của công sở “thông minh” hiện đại của thế kỷ 21.

 

Nhìn lại thời gian làm bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, ông tự đánh giá mình đã đóng góp được gì cho ngành văn hóa - thông tin và thời gian tới ông muốn để lại dấu ấn gì?

 

Tôi nghĩ Bộ Văn hóa - Thông tin có ba ưu điểm là có bề dày truyền thống, cán bộ có trình độ chuyên môn hóa khá sâu, đoàn kết nội bộ tốt. Nhưng bộ cũng có ba nhược điểm mà tôi về quyết tâm khắc phục dần, và khi rời khỏi bộ, tôi nghĩ mình đã thổi vào bộ được một luồng tư tưởng mới mà anh em đã chấp nhận và đang chuyển động tốt.

 

Việc thứ nhất là làm cái gì cũng thường chậm trễ. Đáng làm một ngày có thể mất một tuần, đáng làm một tuần có thể làm mất một tháng. Tôi khắc phục bằng cách lượng hóa công việc và giao thời gian hoàn thành, thì việc gì anh em cũng đều phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ. Trước cái khó không nên bó tay, người xứ Nghệ chúng tôi có câu “Nhảy vào tóe ra”. Ra luôn hoặc ra dần, ra sản phẩm, ra bài học, ra kinh nghiệm và ra chính mình. Tư tưởng chỉ đạo hành động của tôi là vậy.

 

Nhược điểm thứ hai là thiếu kỷ cương trên nhiều lĩnh vực, nhất là công tác cán bộ, sinh hoạt hội họp và xử lý sai sót ở cơ sở (bây giờ mọi việc đều đã tốt hơn). Khuyết điểm thứ ba là thiếu hụt đội ngũ đầu đàn. Điều này đang trong quá trình khắc phục, song rất tiếc bây giờ tôi đã sang công việc mới. Bộ trưởng mới thay tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp dang dở mà tôi đeo đuổi.

 

Vì thế có dư luận cho rằng ông từng không muốn sang Bộ Thông tin và Truyền thông?

 

Tôi không muốn chia tay ngành văn hóa vì đó là nơi mà anh chị em đang tin tưởng, quí mến và trân trọng tôi. Nên khi phải chia tay, tôi cảm thấy thiệt thòi và day dứt. Thứ hai là tôi có nhiều ý tưởng, hoài bão, quyết tâm làm một số việc để có dấu ấn lâu dài nhưng chưa kịp triển khai.

 

Tuy vậy, những gì tôi đã làm, dù trong thời gian ngắn (một năm, một tháng, một tuần và một ngày), cũng đủ để lại dấu ấn về tấm lòng, trách nhiệm và phong cách điều hành trong lòng anh em, bạn bè, đồng chí.

 

Thứ ba là tôi cảm thấy có đủ kiến thức và kinh nghiệm tự tin lái con tàu của ngành văn hóa - thông tin cập bến như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ và trung ương. Về bộ mới tôi buộc phải bộc lộ cái yếu nhiều hơn cái mạnh. Nhưng bây giờ quyết định rồi thì tôi chủ động và tự tin, tự chủ và tự chịu trách nhiệm để vào cuộc. Tôi sẽ làm hết sức để khẳng định mình, bảo vệ Đảng và lấy được niềm tin của anh em.

 

“Báo chí là đối tác chứ không phải đối tượng”

 

Công tác quản lý báo chí từ Bộ Văn hóa - Thông tin chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có điểm gì mới, thưa ông?

 

Để báo chí phát triển đúng, nhanh có nhiều việc cần làm. Trong đó quan trọng là phải sửa đổi Luật báo chí, hoàn chỉnh hành lang pháp lý để báo chí không bị chỉ đạo quá cụ thể mà là chỉ đạo cơ bản. Làm sao cho báo chí cũng giống như người tham gia giao thông, cứ đi đúng lề đường bên phải thì sẽ an toàn và được tự do.

 

Thứ hai là phải có qui chế trách nhiệm, bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng biên tập, qui chế cộng tác viên, qui chế quản lý phóng viên thường trú. Không đề cao trách nhiệm tổng biên tập thì không cơ quan nào có thể quản nổi. Việc quản tờ báo sẽ là quản lý một người chứ không phải quản lý nhiều người. Bên cạnh đó phải kiện toàn các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Làm sao để trình độ người quản lý phải ngang và cao hơn người thực hiện.

 

Cơ chế nào cũng phải giải quyết ba vấn đề: khuyến khích phát triển tài năng; giải phóng lực lượng sản xuất và phải vận động phù hợp với xu thế thời đại. Chính sách với báo chí tới đây sẽ chặt chẽ nhưng mềm mại hơn, những người quản lý và tác nghiệp báo chí sẽ gắn bó với nhau hơn.

 

Nhiều nơi người ta vừa quý lại vừa sợ báo chí. Người ta chỉ thích báo chí nói tốt mình mà quên báo chí phải phục vụ dân. Ông nghĩ gì về thực trạng này?

 

Tại các hội nghị gần đây, nhiều lãnh đạo địa phương rất bức xúc khi phát biểu về báo chí. Tôi nói những hạn chế của báo chí là có, nhưng khi báo chí đưa tin, các đồng chí cần phải trở lại địa phương để kiểm tra nội bộ. Không bao giờ báo chí nói mà không có nguồn tin từ nội bộ. Như vậy báo chí nhiều khi đưa tín hiệu nội bộ giúp lãnh đạo đề phòng và xử lý từ xa. Có những chỗ làm chưa tốt do mình quản lý thì phải sửa.

 

Cố nhiên điều quan trọng số một của báo chí là trung thực, nghĩa là khen đúng, chê đúng mới răn đe được người xấu, việc xấu, động viên người tốt, thúc đẩy xã hội phát triển. Phải nói tôi đang phải chịu nhiều sức ép. Một bên là sức ép của đổi mới gắn với nó là dân chủ, hội nhập, một bên là sức ép quản lý và cả sức ép không tên, nên nhớ là mình quản lý trong môi trường dân chủ và cởi mở sẽ khó hơn nhiều. Nhưng không phải là không làm được nếu chúng ta luôn coi trọng lợi ích quốc gia, danh dự cộng đồng và thương hiệu dân tộc.

 

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa khi ra mắt lãnh đạo các cơ quan báo chí có nhấn mạnh rằng các cơ quan quản lý phải “phục vụ” báo chí. Quan điểm Bộ trưởng thế nào?

 

Điều đó hoàn toàn đúng. Quản lý là quản có lý để mọi vật phát triển. Những hạn chế của báo chí, bản thân báo chí phải tích cực khắc phục, nhưng khó khăn của báo chí, cơ quan nhà nước phải tìm cách tháo gỡ. Tức báo chí là đối tác chứ không phải đối tượng.

 

Nghĩa là sẽ không áp đặt quan điểm một chiều lên báo chí?

 

Bộ sẽ lãnh đạo báo chí trước hết bằng luật pháp, qui chế và bằng các sinh hoạt chính trị. Tại các sinh hoạt đó những gì cần nói bộ sẽ nói hết để báo chí nắm bắt rồi thực hiện, hạn chế việc đưa ra các mệnh lệnh hành chính. Nếu xét về báo chí thì mình là người của báo chí, nhưng xét về mặt quản lý thì mình là cấp trên của báo chí. Làm thế nào khi anh đóng vai quản lý và bị quản lý mà thông hiểu lẫn nhau, khi đó sẽ dễ làm việc và hiệu quả sẽ cao hơn. Tôi hạn chế việc mình đứng ngoài báo chí để quản lý báo chí.

 

Bộ trưởng nói sẽ làm sao để báo chí đi đúng lề đường bên phải. Nhưng vấn đề ở chỗ liệu lề đường bên phải đã thoáng rộng ở mức tốt nhất có thể chưa, và ranh giới giữa lề đường bên phải với lề đường bên trái đã rõ ràng hợp lý chưa, thưa Bộ trưởng?

 

Cơ chế quản lý để tự do cá nhân được phát huy cao độ là cơ chế công khai, dân chủ, minh bạch. Cơ chế đó điều chỉnh con người qua luật pháp. Thời gian qua chúng ta thiếu một số cơ chế quản lý, nên bù lại thường phải có các chỉ thị tức thời cũng là cần thiết.

 

Chúng ta đang hoàn thiện cơ chế để giảm thiểu các giải pháp tình thế. Nên có thể nói một nhiệm vụ nữa là làm sao xác định rõ ranh giới trong quản lý thông tin giữa Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, cơ quan chủ quản và tổng biên tập. Ban Tuyên giáo định hướng về mặt nội dung tư tưởng. Bộ Thông tin và truyền thông định hướng về mặt quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản định hướng về tổ chức, nhân sự, còn lại là trách nhiệm tổng biên tập. Làm rõ để không chồng chéo trách nhiệm. Đây là công việc khó bậc nhất nhưng Bộ Thông tin và truyền thông sẽ cố làm.

 

Chúng ta đang thiếu cơ chế chính sách sát thực tế. Tôi đã từng nói cơ chế chúng ta trên một số lĩnh vực muốn làm đúng sẽ rất khó làm, người nhát không dám làm, người dám làm nhưng không ai bảo vệ cũng không làm được. Nghề báo cũng thế, khi xem xét con người phải thấu lý đạt tình, sát thực tiễn. Nếu sai vì động cơ phát triển thì cố bảo vệ. Nếu không sẽ triệt tiêu nhân tài. Nếu sai do vụ lợi cá nhân thì cương quyết đấu tranh, xử lý, ngăn chặn, đẩy lùi.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

 

Theo Đà Trang - Cầm Văn Kình

Tuổi Trẻ