Báo cáo Bộ Chính trị đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra vào 17/1

Thế Kha

(Dân trí) - Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo phân cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được yêu cầu hoàn tất, báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 17/1 tới.

Tại văn bản báo cáo Ban chỉ đạo của Chính phủ về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ) đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và hoàn thiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo phân cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 17/1.

Báo cáo Bộ Chính trị đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra vào 17/1 - 1

Trụ sở Thanh tra Chính phủ tại Hà Nội (Ảnh: Thế Kha).

Luật Thanh tra năm 2022 quy định, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gồm:

1- Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính (Thanh tra Chính phủ; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định).

2- Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực (thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương; thanh tra sở).

3- Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

4- Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.

5- Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra; tổ chức thực hiện và hướng dẫn bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra.

Thanh tra Chính phủ gồm 19 đơn vị: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Văn phòng; Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I); Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III);

Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I); Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II); Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III); Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV); Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V); Ban Tiếp công dân trung ương; Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra; Báo Thanh tra; Tạp chí Thanh tra; Trường Cán bộ Thanh tra; Trung tâm Thông tin.

Báo cáo Bộ Chính trị đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra vào 17/1 - 2

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4/2024 tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Hà Nam (Ảnh: TTCP).

Trong khi đó, thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh...

Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Còn thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,... thuộc địa bàn.

Thanh tra huyện chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND cấp huyện và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của thanh tra tỉnh...

 Dự kiến tên gọi, tổ chức bộ máy của Chính phủ

Trên cơ sở sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ cho biết tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) dự kiến gồm: 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ), gồm:

(1) Bộ Quốc phòng; (2) Bộ Công an; (3) Bộ Tư pháp; (4) Bộ Công Thương; (5) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (6) Bộ Ngoại giao; (7) Bộ Giáo dục và Đào tạo; (8) Bộ Y tế; (9) Bộ Tài chính; (10) Bộ Xây dựng; (11) Bộ Nông nghiệp và Môi trường; (12) Bộ Khoa học và Công nghệ; (13) Bộ Nội vụ; (14) Bộ Dân tộc và Tôn giáo; (15) Văn phòng Chính phủ; (16) Thanh tra Chính phủ; (17) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan thuộc Chính phủ), gồm: (1) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; (2) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; (3) Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); (4) Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); (5) Thông tấn xã Việt Nam.

Theo Bộ Nội vụ, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp vào ngày 23-24/1, dự kiến Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp vào khoảng thời gian từ ngày 12-17/2.

Do đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần hoàn thiện đề án cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất và tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong (kèm theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành mình), gửi Bộ Nội vụ trước ngày 15/1.