1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bánh trung thu “trần” quá mất vệ sinh!

(Dân trí) - Cái không khí ăn nên làm ra tại các làng nghề sản xuất bánh ngọt vào vụ trung thu được “cụ thể hoá” bởi vô số ô xi măng xây bên vệ đường để ngâm nguyên liệu, những bãi sản xuất ẩm mốc, những công nhân tay trần nặn bánh, và hàng ngàn con ruồi bay vo ve...

Ngâm nguyên liệu trong bể xi măng

 

Đường đến La Phù (Hoài Đức, Hà Tây) nhiều bụi hơn ngày thường bởi lượng xe qua lại nhộn nhịp. Vào mùa bánh trung thu, đó cũng là thời điểm người dân hối hả cất gạo, vào khuôn, cho ra lò những mẻ bánh thơm phức.

 

Gần mười người làm công thời vụ tại cơ sở sản xuất bánh trung thu X không bận tâm nhiều đến sự có mặt của chúng tôi, một phần vì họ đang rất bận. Mẻ bột đang được khuấy nhuyễn, nặn lên thành hình những chiếc bánh khá bắt mắt. Bột gạo để lăn lóc dưới nền đất, những chậu đựng mỡ làm nhân bánh hấp dẫn lũ ruồi nhặng vo ve.

 

Tại một cơ sở khác, ngay lối vào xưởng sản xuất, nước thải chảy nhầy nhụa dưới sân, đổ thẳng ra rãnh nước  lộ thiên trước mặt. Mùi nhân bánh quyện lẫn thứ mùi nước thải tanh tanh. Bên trong xưởng, các công nhân vô tư tay trần trộn thịt, nhào bột, kịp cho ra lò những mẻ bánh mới.

 

Hầu hết các xưởng sản xuất bánh trung thu ở La Phù, thau chậu đựng nhân bánh, bàn nhào bột,... đều cáu bẩn. Có lẽ chúng chỉ được rửa qua loa vào cuối ngày.

 

Một nhân công thật thà nói họ làm theo mùa vụ nên chỉ quan tâm đến số lượng, còn chất lượng nhìn chung chưa được đảm bảo. Cũng theo công nhân này, giá bánh ở đây được bán rẻ nên khó cạnh tranh về chất lượng, đầu tư nhiều về chất thì cầm chắc lỗ.

 

Làng nghề bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh (Hà Nội) cũng là một trong những “đại bản doanh” của bánh trung thu giá rẻ. Vào làng những ngày này, thấy không khí sản xuất, mua bán, đi lại vô cùng nhộn nhịp.

 

Bánh trung thu “trần” quá mất vệ sinh! - 1

Bánh làm xong phơi ra cho... ruồi đậu.

 

Thiếu địa điểm, nhiều hộ sản xuất ở Xuân Đỉnh đã tận dụng vỉa hè để phơi nguyên liệu làm bánh. Bụi đường bám đầy, nhưng có hề gì, chỉ sau vài phút nhào nặn lại có ngay những chiếc bánh trung thu bắt mắt.

 

Tại Xuân Đỉnh, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những “thùng” nguyên liệu dã chiến: đó là những ô nhỏ bằng gạch được dựng sơ sài ngay lối đi vào thôn. Những ô xi măng này có nhiệm vụ ngâm đủ thứ nguyên liệu; cuối ngày, đó lại là nơi đựng thau chậu, rổ rá,... Không quá khó để nhận ra rằng những bể xi măng này rất khó cọ rửa.

 

Bánh bán theo cân

 

Một chủ cơ sở bánh trung thu ở La Phù cho biết, bình quân mỗi ngày cơ sở của anh cho ra lò gần một tấn thành phẩm. “Các hộ sản xuất khác cũng vậy, đây là thời kỳ cao điểm bán chạy bánh nên ai cũng tập trung vào nghề, hết mùa thì chuyển sang làm các mặt hàng khác”, chủ cơ sở này nói.

 

Một người làm bánh khác ở La Phù thật thà cho biết do là làng nghề nên bánh trung thu La Phù không thể là sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng, không cạnh tranh được với những loại bánh có thương hiệu, được bán với giá “trên trời” ngoài thị trường.

 

Tuy nhiên, La Phù lại cạnh tranh ở mặt khác: đó là khối lượng và giá cả. Bánh La Phù không có nhãn mác, gọi nôm là bánh “trần”, bánh được bán theo cân, “tính ra chỉ từ 3-5 chiếc bánh cộng gộp lại là được một cân, mỗi cân giá 15.000 đồng”.

 

Theo các hộ sản xuất, bánh trung thu La Phù chủ yếu được tiêu thụ ở vùng núi. “Giá cả vừa túi tiền, bánh lại to, chắc chắn những người thu nhập thấp sẽ thích”, một chủ cơ sở khẳng định.

 

Cũng theo anh này thì bánh La Phù khi xuất xưởng chỉ là bánh trần, bọc một lớp nilon mỏng chống bụi và ẩm. Nếu chủ mua khó tính, đến nơi nhận hàng, bánh sẽ được dán nhãn và đóng hộp cẩn thận.

 

Trần Hưng