1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bánh chưng Tranh Khúc vào mùa

(Dân trí) - Qua ngày rằm tháng Chạp là lúc cả làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bước vào những ngày huyên náo nhất. Làng đã có nhiều đời làm bánh chưng, cung cấp khắp cả nước, thậm chí xuất ngoại.

Cả làng làm bánh chưng

Thời điểm này là lúc bận rộn nhất của người làng Tranh Khúc. Làng làm bánh chưng quanh năm, nhưng đến Tết thì lượng bánh tăng vọt, do vậy nhân lực cũng tăng theo.
 
Chúng tôi đến đúng lúc người dân ở đây đang rửa lá dong, chuẩn bị gói bánh phục vụ Tết. Nhà nhà, người người, già trẻ lớn bé… đều rửa lá, tạo nên không khí huyên náo và mang đầy phong vị của dịp Tết cổ truyền - điều hiếm thấy ở nơi phố phường chật hẹp. Tết ở đây luôn đến sớm hơn các địa phương khác cả nửa tháng là vì thế.
 
Bánh chưng Tranh Khúc vào mùa - 1
Chị Phương thoăn thoắt rửa lá dong.
 
Chị Phương thoăn thoắt rửa từng tấm lá, miệng cười: “Nhà trồng không đủ, lá dong phải nhập về từ Hoà Bình, Thanh Hoá… Chúng tôi gói bánh quanh năm nên nguồn cung cấp lá lúc nào cũng phải đầy đủ”. Mùi thanh thanh mát mát khó tả của lá dong phảng phất khắp nơi. Chị Phương cho biết, gia đình chị chỉ làm ít, còn nhà anh Bảo Ngân ở xóm bên mới là một trong những “đại gia” làm bánh trong làng. Nhà anh này lúc cao điểm có tới 20 nhân công cùng làm việc hết công suất.
 
Bánh chưng Tranh Khúc vào mùa - 2
Những vườn lá dong xanh mướt ở Tranh Khúc.
 
Vợ chồng anh Bảo Ngân sống trong ngôi nhà mấy tầng bề thế. Ngoài sân đang có 3 thanh niên xoay trần cọ rửa lá dong. Đống lá ngồn ngộn, xanh biếc cả khoảng sân. Chị Ngân cười khiêm tốn: “Từ bánh mà nên, nhưng cũng phải từ thời các cụ để lại, chứ vợ chồng tôi thì làm chỉ đủ ăn thôi”.
 
Cả hai vợ chồng đang gói những chiếc bánh “ba mươi”  (30.000đ/chiếc - PV) cuối cùng để kịp thả vào chiếc nồi to như thùng phuy trong bếp. Bà cụ già ngồi trông lửa, thấy chúng tôi cụ cười hóm hỉnh: “Nhà báo xem làng này có vệ sinh hay không nhé, đừng để chúng tôi mang tiếng oan”.
 
Bánh chưng Tranh Khúc vào mùa - 3
Anh Bảo với chiếc bánh "ba mươi".
 
Anh Bảo cho biết, trong làng hiện có khoảng 300 hộ nấu bánh, trung bình mỗi nhà 1 ngày tiêu thụ hết 40kg gạo, nhân lên thì cả làng mỗi ngày “ngốn” hết khoảng 12 tấn gạo - một con số thật đáng nể. Số bánh chưng này sẽ đưa về các nhà hàng, cửa hàng chủ yếu phục vụ cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận, cá biệt có người đặt để gửi đi nước ngoài cho thân nhân.
 
Từ những năm 1970, một phần người dân ở Tranh Khúc tách ra, vào trong đê lập một làng mới. Người ta gọi đó là Tranh Khúc “ngọn”, còn làng cũ là Tranh Khúc “gốc”. Cả hai đều có nghề làm bánh chưng, bánh dày để mưu sinh. Nghề không lụi bại mà cứ phát triển lên mãi.

Bánh muốn ngon phải sạch!

Bà cụ Tuyển năm nay đã 78 tuổi, vẫn lọ mọ cầm con dao cau tước từng tấm lá, “tuyên bố” chắc nịch: “Bánh muốn ngon dứt khoát phải sạch. Sạch từ gạo, lá, đỗ, thịt, nồi nấu… Nếu bẩn thì người làm bánh thiệt hại trước nhất”. Cụ Tuyển không nhớ làng bắt đầu nghề làm bánh từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi mình lớn lên thì nghề này đã có, và cụ cũng theo nghề từ hồi trẻ cho tới bây giờ, khi tóc bạc da mồi, mắt mờ chân chậm.
 
Bánh chưng Tranh Khúc vào mùa - 4
Tóc bạc da mồi, cụ Tuyển vẫn tham gia làm bánh.
 
Chị Ngân cũng xác nhận, bánh trước hết phải sạch: “Nếu bánh sạch, luộc xong ép kỹ, thì để được cả tháng không sao. Các khâu sơ chế mà vệ sinh kém thì bánh sẽ nhanh bị ôi thiu, mốc. Khi đó, chính người làm sẽ thiệt hại về kinh tế đầu tiên. Vì thế mà cả làng Tranh Khúc cứ vào dịp này là đường xá lênh láng nước. Người ta rửa lá dong mà!”.
 
Bánh chưng Tranh Khúc vào mùa - 5
Đưa bánh vào "lò".
 
Còn anh Bảo thì gật gù: “Khâu nào dứt khoát khâu ấy. Lá dong sau khi rửa sạch thì dựng cho khô hết sạch nước. Gạo, đỗ, nồi… cũng thế. Đấy các anh kiểm tra thử đống lá dong kia xem có tấm nào bẩn…”.

***

Đã nhiều năm nay, làng làm bánh chưng Tranh Khúc cứ lặng lẽ phục vụ Tết Nguyên đán dân tộc như thế. Người Tranh Khúc chưa hiểu lắm về thương hiệu, chữ tín, cứ thấy đúng lương tâm mình là làm. Nhưng rõ ràng, món bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng đã giúp cả làng có “đồng ra đồng vào” mỗi dịp xuân về.

Chúng tôi ra về, nhiều nhà bắt đầu đặt nồi lên bếp. Những ánh lửa đỏ bập bùng từ các lò bánh xua tan hết giá rét của buổi chiều cuối đông.

Bảo Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm