Những làng nghề hối hả vào Xuân
(Dân trí) - Chỉ ngót nghét 20 ngày nữa là Tết sẽ “tràn” vào mỗi ngôi nhà, góc phố. Khi các siêu thị từng bừng hàng khuyến mãi cũng là lúc những làng nghề truyền thống ở Hà Nội hối hả chạy đua với thời gian để có hàng phục vụ Tết.
Làng hoa Tây Tựu: Lạy trời có rét
Cách Hà Nội chừng 30km, Tây Tựu (Từ Liêm) được mệnh danh là làng hoa lớn nhất ngoại thành, khi Xuân La, Xuân Đỉnh, Ngọc Hà đang bị thu hẹp dần do tốc độ đô thị hoá. Gần 95% số hộ dân ở đây đang sống trong tâm trạng “phập phồng” với thời tiết. Anh Hùng, một người trồng hoa, cho biết: “Nếu trời nắng ấm thì hoa nở sớm, coi như hoa Tết thất thu. Lạy trời, có rét thì bà con mới có thu nhập”.
“Mục sở thị” cánh đồng Tây Tựu trong những ngày này, thấy người nông dân đang “ém” từng nụ hoa, mong ngày khai nở đúng dịp. Họ đã vào cuộc tỉa cành, tiến hành bơm nước, phun thuốc 1 tuần 1 lần để đảm bảo năng suất.
Hồng và cúc là hai loại hoa được trồng nhiều nhất ở Tây Tựu, bên cạnh hoa đồng tiền, huệ, loa kèn… Diện tích trồng hoa hồng chiếm ưu thế bởi nó cho thu nhập thường xuyên, hơn nữa là loại hoa lâu năm. Còn cúc, vòng đời chỉ từ 3-5 tháng, nên nói như anh Thử, chủ nhân của 5 sào cúc, thì: “Đem cúc vào hàng Tết như cá cược với thời tiết, nắng ấm nó nở sớm thì tôi mất Tết”. Anh cho biết thêm, công lao động bỏ ra để chăm 5 sào cúc nhiều gấp đôi so với diện tích này khi trồng hồng, đó là chưa kể tiền đầu tư mua dây, bóng điện gần 1 triệu đồng/sào để “sưởi” hoa mỗi khi thời tiết “đỏng đảnh”.
Giá của các loại hoa trong thị trường Tết năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái khoảng 20%. Tại thời điểm này, nhất là những ngày rét đậm, giá bán buôn trung bình hoa hồng đã dao động từ 600-800 đồng/bông. Còn giá cúc có cao hơn, khoảng 800-1.000đồng/bông. Đối với các loại được xác định là hoa “trọng điểm” của Tết, người dân đã tiến hành phân loại để điều chỉnh các mức giá phù hợp với chất lượng hoa.
Trông trời có rét để hoa đừng nở sớm đang là một tâm trạng Tết quen thuộc của người dân Tây Tựu. “Vật giá tăng cao, người nông dân đang nghĩ cách để cân bằng được việc thu - chi. Chúng tôi quanh năm trông vào mấy sào hoa, nếu trời không ủng hộ thì ngân khố gia đình cạn veo là chuyện không “chạy” đâu được”, chị Thắm nói.
Thế nên mấy ngày nay, Hà Nội “co ro” vì rét, chỉ riêng những làng hoa như Tây Tựu lại thấy thật vui!
Mứt Xuân Đỉnh: Khổ vì giá đường bấp bênh
Hai bên đường bê tông dẫn vào làng nghề mứt Xuân Đỉnh (Từ Liêm) trong những ngày nắng ráo vừa qua được “điểm trang” bởi những nguyên liệu đem phơi ráo để làm mứt Tết. Những hộ sản xuất mứt ở làng mặc nhiên không để ý đến các thứ “trời ơi, đất hỡi” có thể bám vào đó như bụi đường và trăm thứ tạp khuẩn khác.
Những mẻ mứt sắp ra lò, chờ nắng ấm để được sấy khô trước khi đóng gói.
Khi trao đổi về chất lượng vệ sinh an toàn của mứt, một chủ hộ sản xuất nói: “Chúng tôi đã nâng cấp trang thiết bị, lau chùi lại nhà xưởng và lao động đến làm mứt phải khám sức khỏe để tránh bệnh truyền nhiễm. Tôi không nhặt những lao động tự do hằng ngày vẫn đứng vỉa hè mà toàn lấy những người đã làm cho nhà mình nhiều năm. Họ mới từ quê ra”.
Tính trung bình, mỗi hộ sản xuất mứt phải thuê đến gần 100 lao động, tiền công mỗi ngày là 45-50 nghìn đồng/người.
Làng mứt Xuân Đỉnh hiện nay có khoảng 50 hộ tham gia sản xuất. Nhà Hồng Vân chuyên làm mứt bí, gừng, cà rốt; nhà Đào Chiến có thế mạnh là mứt bí, lạc; còn nhà anh Thắng thì có kinh nghiệm lâu năm làm mứt lạc…
Bước vào vụ mứt Tết, những “đại gia” mứt đã xác định các kênh phân phối chính như: làm theo đơn đặt hàng và tiêu chuẩn riêng của các nhà máy bánh kẹo, phân phối cho các đại lý cấp 1 ở một số tỉnh, bán cho các cơ sỏ nhỏ lẻ đem về đóng hộp. Qua quá trình này, giá mứt sẽ đội lên rất nhiều khi đến tay người tiêu dùng, nhất là năm nay cước phí vận chuyển sẽ tăng.
Nhìn chung, nguyên liệu, phụ liệu nhập vào để làm các loại mứt năm nay có tăng nhưng không nhiều. Bí xanh được mua với giá từ 13.000-15.000 đồng/yến, khi làm thành mứt bí, giá bán sỉ là 13.000-14.000 đồng/kg. Gừng củ có hơi khan, giá mua vào cao hơn năm ngoái 20% nhưng giá mứt gừng vẫn giữ ở mức ổn định 24.000-25.000 đồng/kg.
Những loại mứt được xếp vào loại cao cấp của Xuân Đỉnh như quất bóng, hồng bì, dứa được sản xuất ít hơn so với những năm trước vì khan hiếm nguyên liệu và do sự cạnh tranh về giá nguyên liệu, cước phí vận chuyển.
Khác với người dân trồng hoa đang mong trời rét, các nhà làm mứt Xuân Đỉnh chỉ ước trời nắng ấm để thuận lợi cho việc phơi sấy sản phẩm.
Anh Vũ Tiến Lợi, một trong những nhà sản xuất mứt vào loại lớn của Xuân Đỉnh cho biết: “Tết năm nay, tôi đầu tư tổng số vốn gần 1,5 tỷ đồng để cho ra lò khoảng 200 tấn mứt. Lãi không ăn thua mấy đâu, ước tính cũng chỉ được khoảng 10% của vốn thôi”.
Một bất lợi cho các chủ hộ làm mứt Tết 2008 này là giá đường đang từ 9,5 triệu/tấn tụt xuống 7,4 triệu/tấn trong tháng cuối năm. “Những nhà nào đã mua đường dự trữ với giá 9.500 đồng/kg thì nay đã nhìn thấy một khoản lỗ rõ ràng. Nghề làm mứt này, nếu giá đường tăng thì chúng tôi mới có cơ hội tăng giá bán buôn tại chỗ được”, anh Lợi phân tích.
Được khởi động từ 3 tháng nay, làng mứt Xuân Đỉnh đang trong những ngày cao điểm vận hành máy móc và tập trung sức lao động để chuẩn bị cho kịp những mẻ mứt đón Tết. Trước Tết khoảng một tuần lễ, Xuân Đỉnh sẽ kết thúc một vụ mùa làm ăn.
Làng Cót nhộn nhịp làm tiền âm phủ
Được ví như một “ngân hàng âm phủ”, từ những ngày đầu tháng Chạp, dân làng Cót đã “vào cầu” kinh doanh tiền tệ cho người cõi âm như thường niên. Trung bình mỗi ngày cuối năm, làng Cót tiêu thụ không dưới 30 tấn nguyên liệu giấy.
"Tiền tỉ" trong mỗi ngôi nhà ở làng Cót.
Một hộ kinh doanh vàng mã cho biết: “Làng có 2 cái máy in tiền. Một cái đặt ở đầu làng, một cái đặt ở cuối làng. Những ngày áp Tết, chúng quay suốt đêm để đáp ứng nhu cầu “đốt tiền” của dân ta”. Tiền âm phủ làng Cót có mặt ở khắp các tỉnh miền Bắc, vào đến cả Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Ở Hà Nội, phố Hàng Mã là “sàn giao dịch” của các loại “tiền tệ” “made by” làng Cót này.
Việc in tiền ở làng Cót cũng rất thức thời. Trần sao âm vậy, trần giàu sang bao nhiêu thì ở “bên kia”, âm phú quý như vậy. Xu, bạc, vàng lá, USD với các mệnh giá khác nhau đều được các “công xưởng” tại đây sản xuất. Tiền âm Tết Mậu Tý khi bán ra đã vượt giá so với năm cũ. “Mới đầu tháng, mỗi xấp (gồm 100 tờ, riêng tiền xu chỉ có 10 tờ) được bán với giá 1.000 đồng, nay đã là 1.500 đồng”, bà Những - một người làm hàng mã lâu năm cho biết.
Gần đến ngày lễ ông Táo (23/12 âm lịch), dân làng Cót đang trong cảnh “tiền tấp như núi”. Sau khi đưa đi in xong, họ phải đem về nhà để cắt, tạo thành xấp rồi mới bán buôn cho các nhà buôn hàng mã các tỉnh. Tình, quê Thanh Hoá, cuối năm đến làng Cót làm một tay quay kéo cắt tiền âm, cho biết: “Một ngày tôi cắt đến 2 tạ giấy mà vẫn không kịp cho nhà chủ giao hàng”. Hỏi đến tiền công, anh chỉ tay vào “ngân hàng” trước mặt : “Năm mươi nghìn, bằng một ngày người dân Hà Nội đốt các loại này chứ mấy”.
Trông bên ngoài, không khí làng Cót không như phố Hàng Mã xanh, đỏ và nhộn nhịp. Nhưng từng người dân làng Cót vẫn đang ngày ngày hối hả “làm tiền”, phục vụ nhu cầu tâm linh của phần lớn người dân trong ngày lễ Tết.
Sang Anh