1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rộn ràng hương xạ Cao Thôn

(Dân trí) - Những ngày này, làng truyền thống sản xuất hương Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên) nhộn nhịp khác thường. Người dân trong làng hối hả hoàn tất những mẻ hương cuối cùng để kịp đưa ra phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay.

Cả làng làm hương

 

Về Cao Thôn những ngày này không khí thật náo nhiệt. Ngay từ ngoài QL39 đã san sát những gian hàng bầy bán hương, đủ loại hương quế, hương đen, hương vòng, hương đậu tan… Mùi thơm của hương toả kắp nơi. Trong làng, khung cảnh lao động diễn ra rất khẩn trương. Từ những em bé mới chỉ học lớp một, lớp hai đến những cụ già tóc bạc, răng rụng, ai đấy đều rất tất bật sản xuất hàng phục vụ cho mùa làm ăn tốt nhất trong năm.

 

Hương xạ Cao Thôn vốn là sản phẩm truyền thống đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Hưng Yên và nhiều tỉnh lân cận Người dân trong làng đã trải qua gần hai trăm năm sống và gắn bó với những nén hương. Theo tục truyền, xưa kia, bà Đào Thị Khương, người con gái quê có tài có sắc lấy chồng tận bên Trung Quốc đã học được nghề làm hương xạ. Sau này bà trở về quê hương truyền dạy nghề cho dân làng.

 

Trải qua bao thăng trầm, nén hương xạ Cao Thôn đã có được những phẩm chất mà ít làng hương nào sánh được, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Hương Cao Thôn có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không sực nức những lại phảng phất rất lâu

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, người đã nhiều năm gắn bó với nghề làm hương, cho biết: “Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Các công đoạn đòi hỏi sự chú tâm của người thợ, phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý”.

 

Nén hương làm xong được đem phơi trên giàn, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì hai, ba ngày. Họ tránh đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi, giảm chất lượng. “Sự chu đáo, nghiêm khắc của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên chất lượng và sự nổi tiếng cho hương của làng”, ông Hùng khẳng định.

 

Rộn ràng hương xạ Cao Thôn - 1

Những quầy bán hương mở ngay ngoài rìa làng, trên QL 39.

 

Người Cao Thôn cho rằng, nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép họ cẩu thả, làm hương giả, hương kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào...

 

Nghề làm hương đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong làng. Hiện nay ở Cao Thôn có khoảng 300 lao động làm hương, sản lượng hương xạ đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm với doanh thu từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Thời vụ làm hương đông nhất là hai tháng giáp Tết Nguyên đán.

 

Xây dựng một thương hiệu hương

 

Nghề làm hương ở Cao Thôn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn rất thân thiện với môi trường. Nhiều năm nay, người thợ vẫn lưu giữ được những bí quyết truyền thống để bảo đảm cho chất lượng hương ngày càng tốt mà không phải sử dụng bất cứ chất hóa học nào. Từ xa xưa đến nay, những loại cây, thuốc bắc như quế chi, hoàng đàn, hồi... vẫn là nguyên liệu để làm ra sản phẩm hương truyền thống.

 

Nhờ có chất lượng tốt, hình thức đẹp và đặc biệt cháy rất đều lại đậu tàn, từng ấy ưu điểm khiến làng hương Cao Thôn được duy trì sản xuất quanh năm, đặc biệt là nhưng tháng giáp Tết. Khách hàng không chỉ ở trong tỉnh, ngoài tỉnh mà đã có hộ tìm được mối hàng xuất đi nước ngoài.

 

Để đám ứng nhu ngày càng cao của người tiều dùng, cả làng không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm ngày càng rộng rãi. Một trong những cơ sở sản xuất quy mô lớn ở Cao Thôn hiện nay phải kế đến là cơ sở hương Thế Hưng của ông Đào Văn Cơ. Hiện cơ sở này đã xây dựng được nhà xưởng thu hút trên 40 lao động thường xuyên, có cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, thường xuyên xuất hàng đi Ấn Độ.

 

Ông Cơ cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ thành lập một doanh nghiệp tư nhân để mở rộng sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh.

 

Tin vui đã đến với người dân, mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đã về nghiên cứu, xây dựng logo riêng cho làng nghề nhằm từng bước quảng bá, xây dựng thương hiệu.

 

Thái Bình