1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bằng lái xe có 12 điểm/năm sẽ thuộc quyền quản lý của Bộ nào?

Phương Thảo

(Dân trí) - Đề xuất được Chính phủ tán thành về quy định bằng lái xe có 12 điểm/năm đặt ra vấn đề, việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe sau này sẽ chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an?

Tại cuộc họp báo Chính phủ tối 4/9, báo giới đề cập vấn đề thời sự đang thu hút sự quan tâm của dư luận là việc Chính phủ đồng ý đề xuất quy định giấy phép lái xe có 12 điểm/năm, mỗi lần vi phạm bị trừ điểm, hết 12 điểm/năm thì phải thi lại. Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết số 123 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 31/8 vừa qua). Đề xuất quy định này thể hiện trong dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Theo đó, quy định này thuộc phần nội dung về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, được tách ra từ dự luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo.

Bằng lái xe có 12 điểm/năm sẽ thuộc quyền quản lý của Bộ nào? - 1
Chánh Văn phòng Bộ Công an - Thiếu tướng Tô Ân Xô tại cuộc họp báo.

Trao đổi về vấn đề nêu ra, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an nói tới thẩm quyền quản lý với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe khi luật có hiệu lực sẽ thuộc Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải.

Tướng Xô giải thích: “Công việc không đơn vị này làm thì đơn vị khác làm. Thủ tướng cũng nói không phải quyền anh hay quyền tôi. Phân công theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Giao thông vận tải hay Bộ Công an làm cũng là tạo thuận lợi cho công việc, cho quản lý, vì quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp nên không cần câu nệ ai làm”.

Theo ông Xô, Bộ Công an, Giao thông hay đơn vị liên quan nào cũng đều lắng nghe ý kiến người dân. “Luật không thể thỏa mãn cho từng cá nhân, nhưng tất cả công dân phải chấp hành luật, không ai đứng trên luật”, ông Xô nói.

Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, khi dự Luật được công bố vẫn điều chỉnh được nên không cần lo lắng chuyện này, chuyện khác, hay việc này đang bộ này làm lại đưa sang bộ kia. Bên cạnh đó, việc xây dựng luật cần rất nhiều cơ quan, chuyên gia và các nhà chuyên môn

Nói thêm ông Xô giải thích quá trình xây dựng luật rất chặt chẽ, không phải dễ. Theo đó, quy trình đề nghị nghiên cứu xây dựng luật gồm 7 bước, quy trình thông qua luật gồm 10 bước, tổng cộng 17 bước.

Nói rõ thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ, giải thích việc xây dựng Luật An ninh trật tự giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi xuất phát từ công tác quản lý trong thực tiễn, khi mỗi năm xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông.

“Dù số người chết, người bị thương giảm, số vụ tai nạn giao thông còn rất lớn, vi phạm giao thông còn nhiều. Vì thế các cơ quan đề xuất xây dựng, tách thành hai luật trên”, ông Dũng nói.

Bằng lái xe có 12 điểm/năm sẽ thuộc quyền quản lý của Bộ nào? - 2
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ chưa chốt việc Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nguyên tắc là Bộ nào làm tốt hơn sẽ phụ trách.

Đồng tình với người phát ngôn Bộ Công an, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, đây không phải vấn đề tranh giành làm luật, mà nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan, cơ quan nào làm tốt hơn thì giao cơ quan đó.

Theo ông Dũng, liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ thuộc lĩnh vực của Bộ Công an. Những gì liên quan đến kết cấu hạ tầng, các dự án giao thông là lĩnh vực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Riêng về công tác đào tạo lái xe, ông Dũng cho biết việc này hoàn toàn được xã hội hóa, các cơ sở công lập, tư nhân đều được đào tạo, nhưng công tác cấp giấy phép sát hạch lái xe phải quản lý chặt chẽ để tránh việc giao bán bằng trên mạng. Việc này phải có kiểm soát, theo dõi chặt để tránh cắt đoạn.

“Các cơ quan thuộc Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục xây dựng luật để báo cáo Chính phủ, sau đó báo cáo Quốc hội. Trong quá trình làm sẽ có phân tích, đánh giá xem cơ quan nào làm tốt để giao cho cơ quan đó. Hiện nay chưa quyết định giao cho Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.