Bình Định:

Bàng hoàng vì lũ muộn!

(Dân trí) - Những cơn mưa bất chợt đổ dồn, nước sông suối dâng cao, lũ muộn tràn về gây nhiều thiệt hại về người và của. Những gia đình “bỗng dưng mất con”, nông dân “bỗng dưng mất lúa” và còn nhiều hệ lụy của trận lũ đầu năm...

Bàng hoàng vì lũ muộn! - 1

Người dân gồng mình cứu lúa.

 

Nông dân với  những cơn “khát giống”

 

Đợt lũ muộn đã không nhanh lùi như sự hằng mong của người dân Bình Định mà ngày càng dâng cao và sự “huỷ diệt” của nó dữ dội hơn mọi dự đoán. Những cơn mưa lớn kéo dài trong thời gian 7 ngày đã làm mực nước các con sông không ngừng dâng cao. Tính đến chiều ngày 2/1, mực nước sông Kôn tại Thạnh Hoà vượt mức báo động 3 đến 0,5m.

 

Những ngày đầu, cơn lũ chỉ gây hại ở 1 số địa phương khu Đông của huyện Tuy Phước, nơi được mệnh danh là những vùng rốn lũ. Thế nhưng khi mực nước ở các hồ chứa đều đạt đỉnh, cần phải xả lũ để bảo đảm an toàn thì cơn lũ lập tức “càn quét” trên diện rộng và “xóa sổ” hàng ngàn diện tích đồng ruộng và hoa màu.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số địa phương ngập lũ nặng thì không những số diện tích lúa mới gieo bị lũ cuốn trôi mà hàng ngàn ha lúa đông xuân đã lên 2, 3 lá cũng bị úng thối do ngập sâu trong nước lũ nhiều ngày.

 

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Định, đã có hơn 25.000 ha lúa đông xuân bị ngập chìm trong lũ, trong đó có 12.000 ha bị hư hoàn toàn phải gieo sạ lại và khoảng 350 tấn giống đã ngâm ủ nhưng do nước lũ ngập lâu ngày không gieo sạ lại được cũng đã bị hư hỏng hoàn toàn.

 

Các ngành chức năng cùng nhau “xắn quần” đi tìm hạt giống dư lại, người dân với những than thở “vậy là tiền mất tật mang” với những nỗi lo chồng lên nỗi lo “người tính không bằng trời tính”.

 

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Có nhiều vùng bà con đã sạ đi sạ lại đến 3 lần rồi mà vẫn bị hư giống. Để khôi phục sản xuất, Bình Định đang cần có đến 1.000 tấn giống trong khi nguồn giống dự trữ của tỉnh chỉ có 175 tấn, tận dụng “vét” tất cả lượng giống xác nhận còn lại trong kho các HTXNN địa phương thì vẫn còn thiếu đến 500-600 tấn giống. Giờ chỉ có nước kiến nghị nguồn giống hỗ trợ khẩn cấp từ trung ương để khi nước rút là nông dân gieo sạ lại ngay cho kịp thời vụ”.

 

Không chỉ có cây lúa, hàng chục ngàn ha cây trồng cạn như: đậu phộng, đậu tương, ngô lai ở Bình Định cũng đã bị nước lũ “tiêu diệt”. Hầu hết diện tích cây trồng cạn đều xuống giống từ ngày 15/12 đến ngày 23/12, giống vừa xuống dứt tay là mưa lũ tràn về đã xóa sạch cánh đồng xanh...

 

Những gia đình “bỗng dưng mất con”

 

Cơn lũ muộn khắc nghiệt xảy ra ở Bình Định không chỉ gây tổn thất nặng nề về sản xuất mà trước khi “rút đi”, cơn lũ này còn gây thêm những nỗi tang thương cho những gia đình nghèo.

 

Lúc 16 giờ chiều ngày 2/1, hai cháu Trần Thanh Huy (10 tuổi) và Nguyễn Thị Bích Phượng (10 tuổi) cùng ở thôn Hoà Đông, xã Nhơn Hạnh (An Nhơn) đang theo học trường Tiểu học số 2 Nhơn Hạnh đã cùng lúc bị nước lũ cuốn trôi. Người dân địa phương kể lại rằng “đoạn đường ấy vắng người đi lại, con đường chông chênh bên bờ sông, hai cháu bé xấu số cũng rơi xuống và bị lũ cuốn mất không còn cơ hội cứu vãn”.

 

Đến thăm nhà cháu Huy, chúng tôi không thể cầm lòng trước cảnh người mẹ trẻ (chị Trần Thị Lý-30 tuổi) nằm ngất xỉu bất động trên chiếc giường đặt cạnh quan tài của đứa con bất hạnh.

 

Người cha của cháu bé bất hạnh Nguyễn Thị Bích Phượng (anh Nguyễn Tường Linh-35 tuổi) nói: “Khi vớt xác cháu lên tôi đâu dám cho mẹ nó biết, xác của cháu tôi cũng gửi nhờ tại Trạm Y tế xã chứ không dám đưa về nhà. Không ngờ chỉ trong giây lát không kịp đón con thì dòng nước đã cướp đi sinh mạng của nó...”.

 

Cùng lúc đó, Nguyễn Viết Thi (20 tuổi) ở thôn An Ngãi trên đường đi thăm chị ở thôn Phò An (Nhơn Hưng-An Nhơn) về đến bờ tràn Phò An thuộc sông Gò Chàm thì bị trượt chân té xuống dòng nước đang chảy xiết, mãi đến một ngày sau mới tìm thấy xác Thi vắt bên bụi gai.

 

Cứ nghĩ là những cơn mưa cuối năm chỉ đơn thuần là mưa lớn, nhưng không ngờ nước từ các con sông đổ về khiến nhân dân trở tay không kịp. Hậu quả của đợt lũ lịch sử chưa hoàn hồn lại chồng lên một trận lũ muộn khiến hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì mới bị mất nhà, nay lũ lại nguốn hàng ngàn diện tích lúa vừa mới gieo sạ.

 

Đói, rét và thiếu thốn đủ bề, hàng triệu người dân Bình Định đang cần một sự sẻ chia...

 

Hà Khê