(Dân trí) - "Nghề này đã lỡ làm giờ dính rồi. Ngồi đây nói chuyện vậy nhưng nhiều khi mai không còn, biết đâu được. Nghề thì mình phải chấp nhận, đã làm là không sợ", Trung tá Nguyễn Chí Thành tâm sự.
Chuyện về người anh hùng 22 năm bất chấp tỷ lệ sinh tử
Hỏa hoạn, đuối nước, rơi xuống hang, sập công trình, nước ngập nhà dân, giải cứu ngáo đá, mắc kẹt trong thang máy, cây xanh ngã đổ... Những tình huống đó xảy ra mỗi ngày, và người dân luôn cần lực lượng tới hỗ trợ ứng cứu.
"Anh em chuẩn bị xe, khẩn trương di chuyển", là mệnh lệnh mà hơn 22 năm qua, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an TPHCM, cùng đồng đội của mình tiến hành gấp gáp mỗi khi nhận được tin báo từ người dân.
Vào ngành năm 20 tuổi, ký ức ám ảnh anh Thành là khi nhìn thấy cảnh người dân hoảng loạn nhảy từ trên tầng cao xuống để mong thoát thân trong vụ cháy tòa nhà International Trade Center (Trung tâm thương mại Quốc tế, ITC) ở quận 1, TPHCM làm 60 người chết, khoảng 200 người bị thương năm 2002.
Hơn 22 năm, anh Thành chuyển từ PCCC sang CNCH cũng chỉ một tâm nguyện - "cứu người, cứu tài sản cho dân, cứu cái còn trong cái mất".
"Hồi nhỏ cứ muốn làm siêu nhân, cứu người. Việc gì người ta làm không được thì mình sẽ làm. Rồi cuộc đời cho tôi được chọn và làm đúng công việc ý nghĩa", Trung tá Chí Thành nói.
Trung tá Nguyễn Chí Thành hẹn chúng tôi ở trụ sở PC07 Công an TPHCM, khi anh vừa rời nơi huấn luyện cho các chiến sĩ trẻ để chuẩn bị tham dự cuộc thi của ngành. Một ngày của Trung tá Thành bắt đầu từ 5h30 và khép lại lúc khuya, với đủ chương trình tập luyện. Còn khi có sự vụ, bất kể lúc nào, đang làm gì, ở đâu, viên cảnh sát này vẫn lên đường làm nhiệm vụ.
Làn da rám nắng như không còn có thể bắt nắng thêm được nữa, anh Thành nở nụ cười đôn hậu, nói: "Gia đình từng có 2 đứa em bị đuối nước, mấy ngày sau mới nổi lên, tôm cá rút rỉa thi thể không còn nguyên vẹn, gia đình rất đau xót.
Khi thấy tổ cứu hộ cứu nạn hoạt động ý nghĩa quá, tôi liền xin qua. Rồi tôi được chỉ dạy bơi lội, lặn, tiếp xúc thi thể… Làm nhiều như thế cũng cứng nghề, thấy ý nghĩa của công việc".
Anh Thành quê gốc ở Thái Bình, lớn lên ở huyện Củ Chi, TPHCM. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong cấp 3, anh không có điều kiện học lên như bạn bè mà tham gia nghĩa vụ công an. Sau 3 năm, tổ chức có 3 lĩnh vực để huấn luyện và đào tạo: cảnh sát cơ động, bảo vệ mục tiêu và PCCC.
Không có sự lựa chọn, anh được phân về PCCC. Do có "máu" CNCH nên trong một lần viết giấy nguyện vọng, anh đã ghi vu vơ "mai mốt thành lập xong, đơn vị có đội cứu nạn cứu hộ thì tôi xin về đó".
Sau 6 tháng ở đội PCCC, cảnh sát Thành thấy có một đơn vị (Tổ cấp cứu của đội trung tâm PC23) chuyên mò tìm thi thể người bị đuối nước, tìm nạn nhân các vụ tai nạn đường thủy, lặn mò tìm tang vật vụ án… nên đã làm đơn xin chuyển qua.
"Hơn 22 năm rồi, rất đam mê" là cụm từ mà anh Nguyễn Chí Thành liên tục nhắc đi nhắc lại trong suốt buổi trò chuyện.
Từ khi vào nghề đến nay anh tham gia gần 1.000 vụ với đủ các công việc. Từ tìm kiếm người sống tới tìm thi thể người chết, cứu người tâm thần ngáo đá có hành động leo trèo nguy hiểm, cứu nạn cứu hộ sập công trình, bắt rắn vào nhà dân, cứu nạn tổ ong, xe bồn lật, nước ngập vào nhà dân, cây xanh ngã đổ, lặn tìm tang vật vụ án…
Cứ lúc nào người dân cần hỗ trợ là lực lượng CNCH như anh Thành có mặt.
Với anh Thành, "lòng yêu thương con người" chính là lý do và động lực để anh theo nghề. Nhớ lại kỷ niệm trong suốt quá trình làm nghề cứu hộ cứu nạn, Trung tá Thành không thể nào quên vụ việc ở Hà Giang vào tháng 12/2020. Khi đó, nạn nhân rơi xuống hang sâu khoảng 280m được 13 ngày.
Anh cho biết đây là vụ "chưa có tiền lệ ở Việt Nam", TPHCM cũng chưa từng có mô hình cứu hộ dưới hang sâu thế này.
"Vì sao anh lại xung phong xuống dưới?", tôi hỏi.
"Trong đoàn tôi là người có kinh nghiệm nên xung phong thực hiện. Hang nhỏ hẹp chỉ xuống được một người", anh Thành đáp.
Quyết định xuống dưới hang chưa từng có tiền lệ trong tích tắc đã khiến người đàn ông này đắn đo giữa hai luồng suy nghĩ. Đó là nếu đi tiếp thì khả năng sẽ bỏ mạng, để lại vợ con xót thương, nhưng nếu dừng lại thì nạn nhân sẽ mãi nằm dưới hang sâu, nỗi đau gia đình còn mãi đó.
"Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Tôi luôn đặt bản thân vào những người có người thân gặp nạn, họ sẽ đau đớn nhường nào. Và sứ mệnh của cảnh sát CNCH là cứu người, vì lòng yêu thương con người thì mình phải thực hiện", vị Trung tá trải lòng.
Đầu tháng 8/2021, một cán bộ trẻ của Công an quận 6 (TPHCM) hy sinh khi truy đuổi người vi phạm. Tháng 8/2022, 3 chiến sĩ PCCC hy sinh trong vụ chữa cháy quán karaoke ở Hà Nội.
Mới đây nhất, cuối tháng 7 vừa qua, 3 cảnh sát giao thông hy sinh trên đèo Bảo Lộc khi cứu hộ sạt lở… Họ đều là những đồng đội trong ngành của anh Thành, tham gia hỗ trợ ứng cứu cho người dân nhưng không may hy sinh. Đó là những mất mát lớn, đau lòng với lực lượng cảnh sát và người dân.
"Công an nhiều nhiệm vụ khác nhau, lĩnh vực nào cũng nguy hiểm. Sinh nghề tử nghiệp, nghề nào cũng vậy. Nhưng công việc mình chọn, trách nhiệm mình thì phải làm. Nghe tin đồng đội của mình hy sinh, tôi rất đau xót, vì mình hiểu nỗi mất mát, nỗi đau tột cùng đó.
Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi chùn bước mà còn phải làm tốt hơn công việc để đồng đội hy sinh không uổng phí", anh Thành bày tỏ.
Bản thân Phó đội trưởng Đội công tác PCCC và CNCH PC07 cũng đối mặt với rất nhiều hiểm nguy trong những lần thực hiện nhiệm vụ.
Trong vụ ở Hà Giang, với hang nguyên thủy, nguy cơ thiếu dưỡng khí hoặc gặp phải khí độc là rất cao, chưa kể hang này quá sâu. Cơn mưa kéo dài suốt đêm khiến hang càng ẩm thấp, anh Thành bị cái lạnh ngấm vào tận xương.
Hang tối đen như mực, nguồn sáng duy nhất là chiếc đèn pin bằng quả trứng gà gắn trước mũ bảo hiểm. Những khối đá sắc nhọn chĩa ra các phía như chực cứa vào da thịt, có đoạn thiếu dưỡng khí khiến hành trình đi xuống hang của vị cảnh sát này càng thêm khó khăn.
"Ngoài kinh nghiệm, sức khỏe còn đòi hỏi bản lĩnh. Có những vụ tỷ lệ sinh tử 5:5, 7:3. An toàn nhiều khi chỉ có 30% nhưng mình chấp nhận thiệt về mình, ưu tiên cứu người là sứ mệnh của lính cứu nạn cứu hộ", anh Thành cho biết.
Khi dò dẫm xuống hang, anh nghe tiếng ầm ầm, rồi đất đá từ miệng hang tuôn xuống xối xả. Lúc này bộ đàm mất tín hiệu liên lạc. Anh Thành quyết định leo trở lên chờ tạnh mưa. Nhưng lúc này thiết bị hỗ trợ chuyển động trục đột nhiên ngưng hoạt động. Tiến thoái lưỡng nan, anh bị treo lơ lửng ở lưng chừng hang trong 1 giờ.
"Khi đó tôi hoảng loạn, nghĩ khả năng hy sinh cao. Mùi tử thi lâu ngày gặp mưa xuống càng bốc lên nồng nặc", viên cảnh sát nhớ lại.
Khi mưa ngớt, tín hiệu bộ đàm nối lại, anh Thành xuống được đến đáy hang. Anh cho thi thể vào bao, cột dây nạn nhân chắc chắn để đồng đội bên trên kéo lên.
Quá trình đưa lên cũng vô cùng gian nan, nước từ người tử thi chảy ngược xuống cơ thể anh Thành. Nhưng anh vẫn được các đồng đội ôm siết vào lòng. Người nhà nạn nhân òa khóc nức nở, liên tục chắp tay cảm ơn nhóm cứu hộ, cứu nạn.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2019, anh Thành cũng tham gia chi viện cứu hộ người bị rơi xuống hang sâu ở Cao Bằng. Đó cũng là "ca khó" khi hang sâu 220m, lực lượng cứu hộ địa phương không thể tiếp cận hiện trường, nạn nhân ở dưới hang đã 3 năm.
Lần đó Thành cũng xung phong xuống hang, tự tay dọn đá, nhặt từng mẩu xương của hài cốt nạn nhân và đưa lên mặt đất.
Với vị Trung tá, 2 lần cứu nạn cứu hộ ở Hà Giang và Cao Bằng là kỳ tích của lực lượng. "Hai vụ đều chưa có tiền lệ và rất khó, nếu không quyết tâm thì không thực hiện được", anh Thành chia sẻ.
Hơn 22 năm gắn với công việc, Trung tá Nguyễn Chí Thành thừa nhận "xém hy sinh nhiều như cơm bữa". Tới thời điểm này, anh cảm thấy may mắn vì vẫn bình an.
"Tôi không mong muốn gì hơn là khi nhận lệnh tới nơi, thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất, giúp dân, rồi an toàn trở về với người thân", anh Thành tâm sự.
Công việc của những chiến sĩ như anh Thành không hề có sự chủ động, mọi công việc đều phát sinh bất ngờ. Một ngày 24 giờ vừa tập luyện, vừa trực chiến, xông ra hiện trường cứu nạn cứu hộ, nên thời gian dành cho gia đình rất hiếm hoi.
Ngoài sự quan tâm chỉ đạo của chỉ huy các cấp, sự giúp đỡ đoàn kết của đồng chí đồng đội, anh nhấn mạnh điều quan trọng hơn hết là hậu phương phải thật sự vững chắc.
Anh Thành cưới vợ năm 30 tuổi, trước đó hai người đã quen nhau được 5 năm. "Tôi may mắn vì có được bà xã hiểu. Mình hạnh phúc vì được gia đình ủng hộ tuyệt đối", anh Thành nói khi đôi mắt long lanh niềm hạnh phúc.
Bản tính tếu táo, giàu năng lượng tích cực, cứ mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ, bất kể vụ đơn giản hay nghiêm trọng, anh Thành đều nói qua loa là đi công tác, rồi cười xuề xòa cho vợ an tâm. Tới nơi, anh sẽ điện về nhà và nói "dễ lắm, bình thường thôi" và thấy "không cần kể chi tiết làm gì".
"Bà xã nói chỉ cần điện thoại mà thấy bốc máy được là an tâm rồi. Còn công việc này nhiệm vụ nào cũng nguy hiểm. Nghề nào cũng có khó khăn riêng", Đội phó đội PCCC và CNCH PC07 nói.
Anh có hai cô con gái, cũng chính là "thần tượng duy nhất" của anh. Hai con gái mến cha, học rất giỏi, có năng khiếu bơi lội, hiện là kiện tướng bơi lội giải trẻ quốc gia.
"Gia đình khó khăn nên ngày trước những lúc trực tôi đem con gái đi theo, có khi cứu nạn cứu hộ đưa bé đi cùng. Bé quan sát và thấy công việc của cha. Giờ lớn bé đọc báo, bé hiểu công việc của cha. Bé dặn cha cẩn thận, cứu hộ xong về với con", vị Trung tá kể.
Anh Thành luôn cảm thấy mình nợ gia đình. Vì vậy, ngoài công việc, dư thời gian lúc nào là anh đều dành hết cho gia đình, như một cách bù đắp. Từ lau nhà, nấu cơm, giặt đồ cho con…
"Với bản thân tôi, gia đình rất quan trọng, tôi biết ơn họ. Vợ hy sinh nhiều, nghỉ làm lo cho các con. Mình ra chiến trường, họ ở nhà lo, ăn không ngon ngủ không yên, mình hiểu điều đó", anh Thành xúc động, mắt rưng rưng.
Xem công việc như hơi thở, nhưng mãi đến tháng 3 vừa qua, gia đình anh mới có được một căn nhà của riêng mình - quà của mạnh thường quân. Trước đó, anh và vợ con ở nhà thuê, chuyển phòng trọ nhiều tới mức con gái hỏi "sao mình chuyển nhà nhiều vậy cha".
"Tôi sống không nặng về vật chất, đủ ăn đủ mặc là được rồi. Không nặng vật chất nên mình cứ nghèo, nhưng quan trọng mình giàu về lòng yêu thương con người, làm việc có ích là được. Xấu ngoài đẹp trong là được. Sống nhà thuê vẫn vui và hạnh phúc. Bà xã tôi cũng chung suy nghĩ này", anh Thành vui vẻ nói.
Một nhiệm vụ mà anh Thành cho rằng quan trọng không kém việc hoạt động ngành, đó là đào tạo và huấn luyện các chiến sĩ trẻ. "Phải có lòng yêu thương con người" là điều vị Trung tá cho là tiên quyết khi chọn theo nghề CNCH.
"Quan trọng là truyền dạy năng lượng tích cực, ý nghĩa của công việc, đạo đức nghề nghiệp cho các em. Điều này đều từ thực tiễn. Một người mất tích nhưng có hàng trăm người trông chờ tìm kiếm. Khi tìm được, trở về đơn vị tôi luôn phân tích cho các em thấy sứ mệnh và ý nghĩa công việc. Làm gì cũng phải đặt tâm mình vào", anh Thành nói.
Vị Trung tá tiếp lời: "Cứ làm gì giúp ích cho đời thấy vui thì làm. Phải vui, phải thích mới làm được, chứ mình nói cao siêu mà không thích không vui là chỉ gượng ép làm vài tháng vài năm thôi. Còn đam mê thì cỡ nào cũng vượt qua được".
Song, anh Thành cũng nhìn nhận chính sách riêng biệt cho lực lượng CNCH còn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều người gia nhập ngành. Anh mong các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn nữa, cả về chính sách, chế độ cho chiến sĩ và phương tiện kỹ thuật mới để đáp ứng yêu cầu công việc.
Nhìn từ bản thân mình, anh Thành thấy quả ngọt sẽ tới khi mình cống hiến và hết mình với công việc. Gần đây nhất, anh cùng đồng đội vinh dự và tự hào khi tham gia đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an Việt Nam, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kết thúc chuyến công tác, Đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an đã cứu sống một thiếu niên 17 tuổi và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài.
Đoàn mang theo hơn 2 tấn thiết bị, di chuyển hơn 24 giờ, thời tiết lạnh thấu xương, tới nơi nước không có và điện cũng không. Anh Thành cùng đồng đội đào trong đống đổ nát từ sáng sớm tới hơn 18h. Khi máy sóng âm rà thấy có sự sống, anh sử dụng các giác quan còn lại, mắt nhìn vô khe, mũi ngửi, miệng gọi. Nghe có tiếng trả lời, thôi thúc anh Thành đào bới liên tục.
"Có điều gì nó khiến mình phải đào chỗ đó, chứ trước đó đã có các đoàn khác tìm kiếm ở đây nhưng không thấy. Tôi dùng tay đào hang chui vô, có 2 lần bị đá sập xuống, nhưng tôi nghĩ có chết cũng phải vào, và chỉ cần cứu được nạn nhân là Việt Nam sẽ có chỗ đứng về cứu nạn cứu hộ. Và kỳ tích đã đến", anh Thành kể lại.
Những người dân Thổ Nhĩ Kỳ cảm động, biết ơn đoàn cứu nạn cứu hộ của Việt Nam. Họ cảm động và ôm lực lượng. "Đi đâu mình cũng treo lá cờ Việt Nam ở vị trí thực hiện nhiệm vụ, cờ bay phất phới rất tự hào. Nước bạn hỏi chúng tôi là nước nào, mình nói Việt Nam. Họ để tay lên ngực thể hiện sự biết ơn khâm phục", anh Thành nói.
Tháng 6 vừa qua, Trung tá Nguyễn Chí Thành vinh dự khi là cá nhân duy nhất cùng 6 tập thể khác được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
"Ngủ dậy mỗi sáng vẫn ngỡ nằm mơ, nhắc đến da gà nổi, không tưởng tượng là sự thật. Công việc mình cứ làm tốt nhất bằng lương tâm, trách nhiệm, rồi thành quả tới. Được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là ngoài sức tưởng tượng. Trong lực lượng PCCC từ xưa tới giờ chưa có trường hợp nào được vinh dự này, tôi ngồi đây vẫn còn cảm giác lâng lâng trên mây tự hào", anh Thành cười tít mắt.
Thừa nhận sức khỏe bản thân không tốt, mang nhiều bệnh vì quá trình làm việc vất vả, nhưng Trung tá Nguyễn Chí Thành khẳng định nếu cho chọn lại vẫn tìm đến công việc cứu nạn cứu hộ.
"Nghề này đã lỡ làm giờ dính rồi. Ngồi đây nói chuyện vậy nhưng nhiều khi mai không còn, biết đâu được. Nghề thì mình phải chấp nhận, đã làm là không sợ", anh Thành nói.