"Bản hùng ca bất diệt" - khúc tráng ca về người lính
(Dân trí) - Điểm nhấn của chương trình khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam với trái tim yêu đất nước, quê hương; một trái tim căm thù quân xâm lược; một trái tim rực lửa anh hùng để lên đường ra trận.
Tối 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt", diễn ra tại huyện Anh Sơn, Nghệ An. Chương trình do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức nhân 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/72022).
Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" được dàn dựng công phu với sự tham gia của hơn 300 diễn viên chuyên nghiệp và khối quần chúng biểu diễn; được chia làm 3 chương: "Bản hùng ca bất diệt", "Những chiến binh bất tử" và "Khát vọng non sông".
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, tháng 7 là tháng của văn hóa tri ân, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
"Bản hùng ca bất diệt" không chỉ là một chương trình nghệ thuật mà còn là biểu hiện của văn hóa tri ân, là khúc tráng ca để dâng lên các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh và xin được bày tỏ sự tri ân sâu sắc, lòng biết ơn sâu nặng đối với các thương, bệnh binh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "... Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh dũng cảm của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do". Chính Người cũng đã chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh - Liệt sĩ để nhân dân tỏ rõ "hiếu nghĩa, bác ái", tỏ lòng biết ơn, thương mến các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung thực hiện chính sách đối với người có công và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Hình ảnh người lính Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng được tái hiện trên sân khấu, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem về tinh thần quả cảm, không ngại hi sinh của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Xuyên suốt chương trình là hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Việt Nam với trái tim yêu tha thiết đất nước, quê hương; một trái tim biết căm thù quân xâm lược; một trái tim rực lửa anh hùng.
Họ đã chiến đấu và hi sinh, xương thịt hòa vào từng tấc đất, xây đắp nên nền hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay.
Trong chiến tranh, đạn bom, những người lính, thanh niên xung phong vẫn luôn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào thắng lợi ngày mai và ước mơ về một tình yêu đôi lứa sắt son bền chặt hòa vào tình yêu đất nước.
Khi đất nước lâm nguy, lớp lớp người con ra trận. Anh - người chiến sĩ, em - cô gái giao liên và nữ thanh niên xung phong đi mở đường. Họ gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn và nhẹ nhàng ra đi khi Tổ quốc gọi tên mình, để trở thành những cánh hoa bất tử...
Hoạt cảnh tái hiện hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong "đội mưa bom, bão đạn" để bám cầu, bám đường, giữ vững huyết mạch giao thông, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Và trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi kẻ thù chung, không thể không nhắc tới mối quan hệ quốc tế trong sáng, bền chặt, thủy chung, son sắc của Đảng, quân đội và Nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào. Đã có hàng vạn người con Việt Nam đã chiến đấu, hi sinh và nằm lại trên đất nước bạn Lào.
Hình ảnh người mẹ Việt Nam được khắc họa khá đậm nét trong chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt". Những người vợ, người mẹ đã tiễn chồng, tiễn con ra trận. Những người mẹ vò võ tháng năm đợi chờ chồng, con trở về.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, chương trình được tổ chức với mong muốn từ nghệ thuật và bằng nghệ thuật truyền đi thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc tiền bối cách mạng, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng công tác đền ơn đáp nghĩa phải được thực hiện thường xuyên, thiết thực, hiệu quả; phải làm bằng cả tấm lòng, tình cảm chân thành, tránh hình thức.
Chương trình thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân và để lại nhiều cảm xúc đối với người xem, đặc biệt là những người đi ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng 20 căn nhà tình nghĩa tới người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Anh Sơn.